A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mắc ca bén rễ trên vùng đất khó

(laichau.gov.vn)

Cây Mắc ca được tỉnh Lai Châu đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2011 đến nay nhân rộng ra toàn tỉnh với trên 2.790ha, trong đó hơn 200ha đang cho thu hoạch quả. Mắc ca đang biến những vùng đất cằn cỗi trở thành vùng trồng cây công nghiệp chủ lực mang lại kỳ vọng cho bà con trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Nhiều diện tích Mắc ca trồng trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ năm 2011 đã cho thu hoạch.

Những ngày cuối tháng 4, trên đường về vùng đất khó bản Táng Ngá, xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn), chúng tôi cảm nhận được màu tươi xanh của cây Mắc ca đang thời kỳ sinh trưởng, phát triển. Gặp vợ chồng anh Lò Văn Tuyến, bản Táng Ngá đang trên đồi chăm sóc, làm cỏ, vun xới, bón lót cho Mắc ca. Anh Tuyến tâm sự: Trước đây, cả quả đồi của gia đình tôi chỉ trồng sắn để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm mà thu nhập không đáng là mấy. Năm 2018, khi có chủ trương của huyện đưa cây Mắc ca vào bản để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, gia đình tôi đăng ký chuyển đổi trồng 1.000m2. Ngoài việc cán bộ huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật, hàng tuần tôi đều lên đồi kiểm tra, chăm sóc. Sau hơn 1 năm, đến nay cây Mắc ca thích nghi, phát triển tốt, trung bình cao hơn 1m. Hy vọng vài năm nữa cây sẽ cho quả mang lại thu nhập cho gia đình.

Được biết, cuối năm 2018, dự án trồng Mắc ca được triển khai tại huyện Nậm Nhùn, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện thực hiện tại bản Táng Ngá, xã Nậm Chà với gần 50 hộ tham gia, tổng diện tích 19,97ha. Sau khi tuyên truyền về lợi ích dự án mang lại, bà con trong bản đồng tình chuyển đổi các diện tích bị bỏ hoang sang trồng Mắc ca. Người dân được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha mua cây giống, vật tư nông nghiệp phục vụ chăm sóc. Đến nay, tỷ lệ cây sống đạt 98%, cây cao hơn 1m; sau 5-7 năm cây bắt đầu cho thu hoạch sẽ góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ môi trường.

Trồng Mắc ca từ năm 2014 trên đất đồi đến nay gia đình ông Trần Đức Văn ở tổ 15, phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) có 6ha với hơn 1.500 cây Mắc ca (trong đó có khoảng 270 cây đang cho thu hoạch). Ông Văn chia sẻ: Để cây Mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, cần lựa chọn giống tốt đồng thời bón lót, phòng trừ sâu bệnh hại cây. Cây Mắc ca phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở thành phố Lai Châu, dễ trồng lại không tốn nhiều công chăm sóc. Năm 2019, thu nhập từ vườn Mắc ca đạt hơn 200 triệu đồng.

Ở thị trấn Tân Uyên (Tân Uyên) khi nói đến Mắc ca người dân thường nhắc tới ông Nguyễn Văn Cát ở khu 7 là hộ đầu tiên được Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam chọn làm mô hình hơn 2ha trồng Mắc ca từ năm 2013 với giống A16, A38, QN1. Năm 2019, gia đình ông đã có 200 cây Mắc ca phát triển tốt cho thu hoạch đạt năng suất trên 12kg/cây, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Đến nay, toàn tỉnh trồng được 2.790,31ha (trong đó, 1.471,65ha trồng thuần, 1.318,66ha trồng xen): Hộ gia đình và mô hình 2.372,33ha, doanh nghiệp 412,98ha, Đồn biên phòng 5ha. Trong đó, huyện Than Uyên 399,75ha, Tân Uyên 689,66ha, Tam Đường 455,76ha, Phong Thổ 177,25ha, Sìn Hồ 140,63ha, Nậm Nhùn 189,91ha, Mường Tè 468,60ha, Thành phố 268,75ha với cơ cấu giống chủ yếu là các dòng OC, 816, 246... Trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho thuê đất và hiện đang tổ chức triển khai trồng Mắc ca là: Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu, Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu, Công ty TNHH Him Lam Lai Châu, Công ty cổ phần chè Than Uyên (liên kết với Công ty An Đức Minh).

Ông Nguyễn Văn Biển – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế chính sách, rà soát diện tích đất trống trồng, phát triển cây Mắc ca để UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện kiểm tra cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cũng như việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang mục đích trồng đúng quy định của pháp luật. Theo khảo sát, đa phần diện tích đất ở Lai Châu thích hợp với việc trồng cây Mắc ca. Trong tổng số 2.790,31ha có hơn 200ha trồng từ những năm 2011, 2013, 2014 đã cho thu lãi bình quân 48 triệu đồng/1ha vào năm 2019. Vì vậy, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều hộ đã, đang trồng, nhân rộng Mắc ca và bước đầu cho thu hoạch.

Có thể khẳng định, việc trồng cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh bước đầu đem lại hiệu quả và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Tác giả: Tùng Phương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.489
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 131.843
Năm 2024 : 803.433
Tổng số : 82.269.526