• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm sóc và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ bị HIV/AIDS

(laichau.gov.vn)
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trẻ được sinh ra từ mẹ bị HIV/AIDS nếu được điều trị, can thiệp kịp thời, tỉ lệ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ có thể giảm còn từ 2-6%. Bài viết dưới đây cung cấp một số thông tin tổng hợp hữu ích cho bạn đọc về vấn đề này.

Ảnh minh họa. (Nguồn:internet).

Quá trình lây truyền HIV từ mẹ sang con

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25-40%. Việc lây truyền HIV từ mẹ sang con theo ba con giai đoạn dưới đây: 

Lây truyền trong thời kỳ mang thai: Sự lây truyền HIV qua con đường này có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy có tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần.

Ở một số trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đã có các rối loạn miễn dịch, đặc biệt là sự bất thường về số lượng tế bào CD4 cho thấy có sự lan truyền HIV rất sớm từ mẹ sang con. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt thời kỳ mang thai qua bánh rau. Các nhà chuyên môn còn gọi đây là kiểu “lây truyền dọc”.

Lây truyền trong khi sinh: Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ "đi qua" đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, virus trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV) hoặc do sự trao đổi máu mẹ – thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể "bơm mạnh" máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ). Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Tuy nhiên nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn…

Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao, nhất là khi thời gian này trên 4 giờ. Các nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%. Cũng vì lý do này mà một số chuyên gia cho rằng, việc rửa âm đạo khi chuyển dạ bằng các chất diệt virut vừa không gây nguy hại cho mẹ và thai nhi vừa làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con khi sinh.

Lây truyền khi cho con bú: Cho dù nồng độ virus HIV không cao trong sữa mẹ, nhưng vẫn gây nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi trẻ bú sữa mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ, tùy thuộc vào thời gian và cách nuôi con bằng sữa mẹ. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn.

Chăm sóc và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ bị HIV/AIDS

Theo các nhà khoa học, phụ nữ nhiễm HIV không nên nuôi con bằng sữa mẹ mà nên thay thế bằng loại sữa khác để bổ sung thêm vitamin A,B,C. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ bị HIV có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển bình thường và tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình chuyển sang AIDS. Vì vậy, bữa ăn của trẻ cần có đủ 4 nhóm: chất bột (gạo, ngô...), chất đạm từ các loại thịt (tốt nhất là thịt bò và gia cầm), đậu đỗ (đậu phụ, vừng, lạc), chất béo (từ dầu thực vật và mỡ động vật, nên chọn mỡ gà, vừng lạc), vitamin, chất khoáng và chất xơ (rau củ, rau lá và quả chín); trẻ từ 6-12 tháng tuổi có thể cho ăn 2-3 bữa/ngày; trẻ từ 13-24 tháng tuổi cho ăn 3-4 bữa/ngày kèm thêm 2 bữa phụ như nước hay quả chín, sữa bò, sữa đậu nành, bánh quy; nếu trẻ không uống thêm sữa, cần cho trẻ ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ/ngày. Trẻ trên 2 tuổi ăn 3 bữa chính cùng gia đình, mỗi bữa từ 1-2 bát, ưu tiên thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu và rau xanh; giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ: sữa, bánh, quả chín; cần cho trẻ uống đủ nước…

Đối với các bé sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV/AIDS cần được điều trị dự phòng trong 6 tuần sau sinh. Trẻ nhiễm HIV sức đề kháng của cơ thể yếu hơn những đứa trẻ bình thường khác, cần chăm sóc trẻ đúng cách; khi trẻ bị sốt do nhiễm khuẩn, virut, ký sinh trùng, do say nắng, dị ứng hoặc do chính tình trạng nhiễm HIV thì cần: Cởi bớt quần áo, chườm mắt bằng khăn ẩm, ấm; nên cho trẻ uống nhiều nước; cho uống hoặc đặt hậu môn thuốc hạ nhiệt paracetamol khi trẻ sốt trên 38,50C; trường hợp trẻ uống thuốc hạ nhiệt mà không đỡ, trẻ nôn (ói) hoặc co giật, sốt kéo dài trên 1 tuần (kể cả sốt nhẹ) cần đưa trẻ đến bệnh viện khám bệnh; nếu trẻ ho ít cho trẻ uống các loại thuốc ho dân gian như quất, húng chanh hấp với mật ong hoặc các thuốc ho bán sẵn (sirô ho trẻ em, thuốc ho gói...), uống theo chỉ dẫn trên nhãn.

Khi trẻ bị tiêu chảy làm cho cơ thể trẻ bị mất nước, sụt cân, chán ăn và suy kiệt. Nguyên nhân khiến cho trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, do chính HIV hoặc do ngộ độc thức ăn. Cần bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn (nước lọc, dung dịch oresol, hydrid: pha theo hướng dẫn trên gói); vẫn cho trẻ ăn bình thường, có đủ chất dinh dưỡng, không nên ăn kiêng. Sau khi ngừng tiêu chảy cho ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần. Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ tiêu chảy kèm theo sốt, nôn (ói) kéo dài từ 1 tuần trở lên.

Trẻ nhiễm HIV thường gặp các bệnh ngoài da do các vi khuẩn, virut, ký sinh trùng và nấm gây nên. Khi trẻ bị mụn nhọt cần tắm rửa sạch, lau khô; bôi thuốc sát khuẩn tại chỗ như thuốc tím gentian 0,25% hoặc xanh methylen 2% hoặc bethadin 3%; nếu mụn nhọt lan rộng, sốt, trẻ lờ đờ, nôn (ói) cần đưa trẻ đến bệnh viện. Khi trẻ bị ghẻ: Đối với trẻ nhỏ bôi mỡ lưu huỳnh 5-10%, để 10-12 giờ sau đó tắm sạch bằng nước và xà phòng; đối với trẻ lớn, bôi dung dịch gammbenzen hexachlorite 0,3% hoặc DEP, sau đó tắm sạch; không để dịch mụn nhọt giây ra môi trường hoặc người khác; trường hợp trẻ bị các bệnh ngoài da nặng cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị.

Trẻ nhiễm HIV cần được tắm, vệ sinh sạch sẽ để đề phòng nhiễm trùng, không để xây xước da. Quần áo mặc cần thoáng mát vào mùa hè và ấm về mùa đông. Sau khi trẻ đại tiện và vệ sinh xong cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Cần phải cho trẻ thăm khám kịp thời khi thấy có những triệu chứng sốt, ho, thở nhanh, khó thở, chán ăn, gầy sút nhanh, xuất hiện những đốm trắng hay những vết đau trong miệng, đại tiện có máu, tiêu chảy, nôn mửa, sởi, lao, thủy đậu hoặc các bệnh lây nhiễm khác. Hàng tháng, cần cho trẻ kiểm tra sức khỏe, khám và xét nghiệm để phát hiện và điều trị dự phòng các biểu hiện sớm của nhiễm trùng cơ hội./.

Trần Hùng


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.680
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 228.584
Năm 2024 : 659.419
Tổng số : 82.125.512