• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone còn nhiều khó khăn

(laichau.gov.vn)
Sau 6 năm triển khai Chương trình điều trị Methadone giai đoạn 2013 – 2018 đã mang lại những hiệu quả tích cực cho cá nhân, gia đình người bệnh, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa thực sự bền vững và còn gặp nhiều khó khăn.

Người dân bản Nậm Củm (Bum Nưa, Mường Tè) uống thuốc thay thế Methadone điều trị cai nghiện. (ảnh Hà Dũng, Báo Lai Châu)

Giảm tới 18,9% tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy

Triển khai Chương trình điều trị Methadone, Ngành Y tế tỉnh đã chủ động tham mưu và thực hiện mở rộng cung cấp dịch vụ đến với người bệnh, phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, thuốc, trang thiết bị của tuyến Trung ương. Hiện trên địa bàn tỉnh đã thành lập 08 Cở sở điều trị tại tuyến huyện, trực tiếp là đầu mối hỗ trợ cho 29 điểm cấp thuốc Methadone vệ tinh đặt tại xã trọng điểm về ma tuý và HIV/AIDS. Đến nay đã tiếp cận điều trị Methadone cho 2.018/3.194 (đạt 63%) người nghiện ma tuý, đạt 120% chỉ tiêu kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1008/2014/QĐ-TTg; và đạt 93% chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.

Qua triển khai chương trình đã mang lại những hiệu quả tích cực nhất định cho người nghiện ma tuý. Góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý từ 27,5% (năm 2010) còn 8,6% (năm 2017). Từ đó tác động giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV so với dân số trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh từ 0,42% (2015) còn 0,40% (2018). Đồng thời mang lại hiệu quả về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân nghiện ma tuý có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 31,7% xuống chỉ còn 2,1% sau 9 tháng tham gia vào chương trình điều trị; Giảm tỷ lệ trộm cắp tài sản từ khoảng 180 vụ/năm xuống còn khoảng 113 vụ/năm. Và đặc biệt giảm các loại tội phạm hình sự đặc biệt liên quan đến ma tuý…

Còn nhiều khó khăn

Lai Châu là tỉnh miền núi có diện tích rộng, địa hình dễ chia cắt, giao thông đi lại hết sức khó khăn; dân cư thưa thớt, đa phần là dân tộc thiểu số, một bộ phận Nhân dân học vấn thấp do đó dễ bị lôi kéo, tham gia vào tệ nạn, việc làm trái pháp luật như: buôn bán, vận chuyển và tái trồng cây thuốc phiện... Cùng với đó, số người nghiện chất ma túy trên địa tỉnh Lai Châu chiếm tỷ lệ cao so với dân số của tỉnh và so với một số địa phương cùng khu vực Tây Bắc. Trong khi đó địa bàn sinh sống của người nghiện ma tuý thường rải rác khắp ở các thôn, bản. Nhất là thôn, bản của xã vùng sâu, vùng xa không thể tiếp cận được với dịch vụ điều trị Methadone.

Công tác quản lý, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, sự giúp đỡ của cộng đồng, gia đình và xã hội còn hạn chế, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện chiếm tỷ lệ cao (>90%); việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone bước đầu đã có kết quả tích cực nhưng chưa thực sự bền vững, vẫn có tình trạng người nghiện điều trị Methadone bỏ liều, bỏ điều trị hoặc dùng song song cả ma tuý tổng hợp khác kết hợp với dùng Methadone có dấu hiệu gia tăng đã ảnh hưởng đến việc kiểm soát, theo dõi điều trị cho bệnh nhân nghiện ma tuý.

Việc tổ chức mở rộng điểm cấp phát thuốc tại các bản có tỷ lệ người nghiện cao (trên 30 người/bản) còn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và việc tổ chức cấp cứu, điều trị cho người bệnh khi có sự cố chuyên môn gây ra (chưa có văn bản quy định của Bộ Y tế) đặc biệt là công tác quản lý thuốc khi vận chuyển, bảo quản tại điểm bản khó tránh khỏi thất thoát.

Một trong những khó khăn lớn nữa đó là nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình chủ yếu từ các dự án quốc tế, nguồn khác của Trung ương chiếm 54%; còn lại nguồn kinh phí địa phương 46%. Trong khi đó các nguồn dự án đang trong lộ trình đóng dự án sau năm 2020. Đây là khó khăn đối với một tỉnh nghèo như Lai Châu, việc xã hội hoá thu phí từ người sử dụng dịch vụ sẽ ít khả thi, bởi bệnh nhân điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh chiếm đến gần 70% là người nghèo, người dân tộc thiểu số. Cùng với nguồn nhân lực tham gia tại tuyến cơ sở phần lớn là hợp đồng lao động, với mức lương tối thiểu vùng còn quá thấp, sẽ hết sức khó khăn để ổn định đảm bảo mức sống và yên tâm công tác lâu dài.

Bàn giải pháp

Bên cạnh những hiệu quả tích cực, công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone còn rất nhiều những khó khăn đặt ra đòi hỏi ngành chức năng phải đưa ra nhiều giải pháp. Theo Sở Y tế Lai Châu cần phải xác định điều trị Methadone là hoạt động lâu dài, quá trình thực hiện cần dựa vào cộng đồng và có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành, chính quyền địa phương liên quan.

Trước tiên là ngành Y tế phải chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh có chủ trương, đề án tiếp tục bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương cho duy trì hoạt động của chương trình điều trị Methadone sau năm 2020. Đồng thời tiếp tục thu hút các nguồn tài trợ từ dự án quốc tế, sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp và các nguồn tài trợ hợp pháp khác. Duy trì các điểm cấp phát thuốc Methadone tại các xã, tiếp tục tham mưu nhân rộng mô hình cấp thuốc tại xã. Phối hợp triển khai song song hoạt động điều trị Methadone lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và gắn kết chặt chẽ với các chương trình y tế khác trong hoạt động thường xuyên của hệ thống y tế tuyến cơ sở nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình.

Đồng thời tăng cường sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự phối hợp của Sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tổ chức tuyên truyền, tổ chức vận động người nghiện, người nhà người nghiện hỗ trợ người nghiện tham gia điều trị. Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thực của người dân về lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tác hại của ma túy đến với sức khỏe, kinh tế của bản thân người nghiện và gia đình, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của toàn xã hội. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trực tiếp và theo nhóm đối tượng. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho cán bộ các tuyến.

Trước lộ trình đóng dự án sau năm 2020, thì giải pháp tăng cường chi trả các dịch vụ bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ tiến tới thí điểm thực hiện Đề án xã hội hóa Chương trình điều trị Methadone (dự kiến thu phí một phần trên địa bàn Tỉnh) là vô cùng quan trọng. Đồng thời, tỉnh Lai Châu rất cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ ngân sách cho Chương trình điều trị Methadone, kết hợp lồng ghép Chương trình phòng, chống ma tuý, đặc biệt là đối với tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách như Lai Châu.

ĐL


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.406
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 228.310
Năm 2024 : 659.145
Tổng số : 82.125.238