• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS

(laichau.gov.vn)
Qua 3 năm triển khai Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần kiểm soát tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh, bù đắp ngân sách thiếu hụt cho tỉnh phục vụ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Bệnh nhân uống Methadone tại điểm cấp phát thuốc xã Sin Suối Hồ

Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS do Ban Quản lý Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu làm chủ dự án và được triển khai tại 108 xã, phường thị trấn trong thời gian 3 năm từ 2015-2017. Với tổng nguồn kinh phí viện trợ cho dự án là 3,2 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí, hiện vật như: Thuốc, vật tư chuyên môn, trang thiết bị đã giúp cho tỉnh Lai Châu mở rộng mạng lưới cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, góp phần kiểm soát tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh, bù đắp phần ngân sách thiếu hụt cho tỉnh trong khi tỉnh chưa tự cân đối hỗ trợ đầy đủ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Qua 3 năm triển khai dự án trên địa bàn tỉnh đã đem lại những hiệu quả tích cực đối với kinh tế xã hội. Từ năm 2015-2017, công tác tư vấn xét nghiệm được triển khai bằng các mô hình điểm tư vấn lưu động với 18.319 người được tư vấn và xét nghiệm HIV đã góp phần tăng số mẫu giám sát phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV trong nhóm có hành vi nguy cơ cao nhằm tư vấn cung cấp các hỗ trợ dự phòng thiết yếu; giúp người dân tiếp cận thuận tiện với dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV. Từ nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại khi triển khai dự án người bệnh không phải chi trả các loại chi phí xét nghiệm, điều trị HIV.

Giai đoạn 2015-2017, công tác điều trị, chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS được quan tâm thực hiện, đã điều trị chăm sóc ART cho 1.040 người lớn, 27 trẻ em và điều trị dự phòng lao bằng Rimifon (INH) cho 302 trường hợp; đã tư vấn và xét nghiệm cho 17.512 phụ nữ mang thai; điều trị dự phòng cho 42 trường hợp phụ nữ mang thai có HIV (+); xét nghiệm EID cho 23 trường hợp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Đồng thời, triển khai chương trình can thiệp giảm hại như cấp bơm kim miễn phí cho 1.926 người tiêm chích ma túy; duy trì 25 đồng đẳng viên tuyên truyền viên; điều trị Methadone cho 2.054 người nghiện chích ma túy… Các hoạt động can thiệp giảm hại đã góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, hướng tới đạt mục tiêu của chương trình đề ra (khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,40% năm 2020). Điều trị thay thế Methadone là can thiệp tối ưu hiện nay đối với người nghiện ma túy, nhằm giảm tác động với một số bệnh truyền nhiễm và giảm tác động xấu đối với kinh tế, xã hội do ma túy gây ra; hạn chế việc sử dụng ma túy trái phép, giảm tội phạm trong xã hội; cải thiện sung đột gia đình do ma túy gây ra, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Hàng năm, số bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ điều trị tăng cao như nhiễm trùng cơ hội, ARV, dự phòng Lao; giảm chi phí cho người bệnh trong khám chữa bệnh, tăng chất lượng sức khỏe để lao động sản xuất phục vụ cho gia đình, cộng đồng. Một trong những điểm mới của dự án đó là mô hình cấp thuốc ARV tại Trung tâm xã để tạo điều kiện thuận tiện cho người bệnh không phải di chuyển xa.

Hoạt động dự phòng lây truyền mẹ con cũng đã giúp cho phụ nữ mang thai tiếp cận thuận lợi với chương trình ngay tại cơ sở, giúp phát hiện kịp thời phụ nữ mang thai có nhiễm HIV để có biện pháp can thiệp tích cực. Từ khi triển khai chương trình, dự án đến nay trên 90% số bà mẹ được tiếp cận điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con; 100% trẻ sinh ra từ mẹ có nhiễm HIV được tiếp cận điều trị và xét nghiệm kịp thời; giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trên địa bàn dưới 5% qua các năm triển khai.

Trên cơ sở những hiệu quả đạt được sau 3 năm triển khai Dự án phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, năm 2018, Dự án Qũy toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu tiếp tục được triển khai trong thời gian 3 năm (2018-2020) với tổng vốn ODA viện trợ là 113.438 USD. Theo kế hoạch, năm 2018 tỉnh Lai Châu sẽ tập trung triển khai các hoạt động: Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, phân phát bơm kim tiêm cho người tiêm chích ma túy; hỗ trợ phụ cấp và cung cấp dụng cụ bảo hộ, sổ ghi chép cho đồng đẳng viên nghiện chích ma túy; cung cấp trang thiết bị cho điểm cấp phát thuốc Methadone tuyến xã; lập bản đồ nóng nhóm nguy cơ cao.

Đồng thời, mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV với 3 hình thức như: tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và xét nghiệm HIV không chuyên. Mở rộng, cải thiện chất lượng điều trị ARV như mua thuốc cho ARV, chi trả các chi phí vận chuyển phân phối, bảo quản và hủy thuốc ARV; mua thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ đồng chi trả bảo hiểm y tế cho đối tượng nhiễm HIV; xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; hỗ trợ theo dõi, giám sát tuyến tỉnh, nhập liệu số liệu Epms và tập huấn theo dõi, đánh giá do PPMU tổ chức…

Với các biện pháp đề ra, tỉnh Lai Châu phấn đấu đạt các mục mục tiêu như: Duy trì cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng góp phần giảm 25% số trường hợp nhiễm HIV do tiêm chích ma túy và 20% số người nhiễm HIV do quan hệ tình dục so với năm 2015. Mở rộng chuẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quần thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV góp phần đạt mục tiêu 90% số người còn sống nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình. Mở rộng cải thiện chất lượng điều trị ARV để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS góp phần đạt mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV thấp dưỡi ngưỡng ức chế, đảm bảo quá trình chuyển sang hỗ trợ qua Bảo hiêm Y tế; củng cố thông tin để có chiến lược, giải pháp hiệu quả ứng phó với dịch HIV/AIDS.

Với những mục tiêu đề ra cùng nguồn lực hỗ trợ tin rằng công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần cùng với các địa phương trong cả nước hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Nguyễn Nga


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.636
Hôm qua : 12.022
Tháng 04 : 185.524
Năm 2024 : 857.114
Tổng số : 82.323.207