A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mường Tè nỗ lực tái đàn lợn

(laichau.gov.vn)

Ngay sau khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi được khống chế, huyện Mường Tè chỉ đạo các ngành, địa phương sớm giúp người chăn nuôi có kế hoạch tái đàn lợn, nhằm ổn định cuộc sống và đáp ứng nhu cầu thịt cho thị trường. Đến thời điểm này, việc tái đàn lợn được nhiều hộ chăn nuôi triển khai thực hiện theo hướng có kiểm soát, an toàn và chất lượng.

Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra năm 2019 khiến 1.633 con lợn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Mường Tè bị chết, với tổng trọng lượng hơn 52.032kg, không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người chăn nuôi, mà còn gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân. Nhờ nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đến cuối tháng 12/2019, huyện Mường Tè công bố hết dịch. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô lớn và hộ bị thiệt hại nặng vẫn còn chưa an tâm, lo lắng khi khôi phục, tái đàn lợn. Để giúp các hộ chăn nuôi lợn an tâm, dần khôi phục sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu về thịt lợn cho thị trường, huyện chỉ đạo các phòng chức năng cử cán bộ chuyên môn xuống phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và dần tái đàn lợn theo hướng có kiểm soát, đảm bảo an toàn, chất lượng, không tái đàn ồ ạt khi chưa an toàn.

Ông Tống Văn Thi - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Phòng đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn và giúp các hộ chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, tái đàn phải đảm bảo có kiểm soát và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.

q
Hộ chăn nuôi ở Mường Tè chăm sóc đàn lợn.

 

Nhằm triển khai công tác tái đàn lợn đảm bảo hiệu quả, huyện Mường Tè chỉ đạo các xã, thị trấn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn về công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tái đàn lợn và đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi. Cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát, kiểm tra các hộ chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, hướng dẫn người chăn nuôi tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sử dụng vôi bột, hóa chất, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện cũng thường xuyên đến cơ sở vận động chủ trang trại, gia trại và người chăn nuôi tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tránh tái đàn ồ ạt, chỉ nên tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt về chăn nuôi an toàn sinh học. Việc tái đàn lợn thương phẩm phải theo lộ trình, từng bước để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn cho đàn lợn. Sau khi nuôi một thời gian thấy ổn định, không có biểu hiện dịch bệnh mới tiếp tục tái đàn.

Ông Bùi Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Thắng Lợi, xã Bum Nưa (huyện Mường Tè) cho biết: Đơn vị chăn nuôi với quy mô lớn, đợt dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, nhờ đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nên không gây thiệt hại. Tuy nhiên, việc tái đàn cũng không nên ồ ạt mà phải thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để đàn lợn đảm bảo an toàn.

Sau nhiều nỗ lực thực hiện tái đàn, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, thận trọng, huyện Mường Tè đã từng bước tái đàn lợn an toàn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường. Hiện, toàn huyện có hơn 300 hộ chăn nuôi trong tổng số gần 1.000 hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn lợn, tập trung chủ yếu ở các xã: Bum Nưa, Vàng San, Mường Tè và thị trấn huyện.

Dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng để tái đàn, tăng đàn, người chăn nuôi tuyệt đối không nên chủ quan, phải thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về thực hiện quy trình vệ sinh chuồng nuôi, môi trường cho đàn lợn.

Cập nhật ngày 2/4/2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 460
Hôm qua : 8.436
Tháng 04 : 113.623
Năm 2024 : 785.213
Tổng số : 82.251.306