• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nà Dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

(laichau.gov.vn)

Đưa khoa học kỹ thuật (KHKT) mới, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang là những giải pháp mà bản Nà Dân, xã Mường Kim (huyện Than Uyên) đang triển khai thực hiện, giúp người dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Được sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, tỉnh, huyện về cơ sở hạ tầng, làm nhà ở, sản xuất (giống cây trồng, vật nuôi, máy làm đất)… bức tranh nông nghiệp, nông thôn và đời sống người dân ở bản Nà Dân có nhiều khởi sắc. Đường liên bản, trục bản, nội đồng, nhà văn hóa, công trình thủy lợi được kiên cố, bê-tông hóa. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, nhiều hộ có điều kiện mua sắm máy móc thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nhận thức về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng KHKT vào sản xuất trở thành việc làm thường xuyên. 

Đồng chí Hoàng Văn Chan - Bí thư Chi bộ bản Nà Dân chia sẻ: “Bản Nà Dân được sáp nhập từ 2 bản: Nà Dân 1, Nà Dân 2 với 131 hộ, 603 nhân khẩu, 100% dân tộc Thái sinh sống; đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trước đây, nông dân trong bản quen với tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất không nhiều. Một bộ phận bà con còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Do vậy, hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi chưa cao”.

Để giúp người dân thay đổi thói quen trong nếp nghĩ, cách làm, Chi bộ bản cùng ban, ngành, đoàn thể tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Phối hợp cán bộ xã, cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình kinh tế mới giúp Nhân dân nắm bắt, vận dụng, thực hiện. Khảo sát đưa giống cây, con giống phù hợp với lợi thế của vùng để người dân lựa chọn, áp dụng. Tổ chức cho người dân đi tham quan thực tế mô hình kinh tế trong và ngoài huyện.

Bản cũng đề xuất với xã vận dụng chính sách phù hợp đầu tư cơ sở hạ tầng như: kiên cố hóa kênh mương thủy lợi đảm bảo nước tưới tiêu cho các cánh đồng; hỗ trợ giống lúa mới J02 vào canh tác, triển khai trồng cây mắc-ca, cây chè; chăn nuôi: dê, gà, trâu, bò… Bên cạnh đó, phối hợp cán bộ thú y xã phổ biến, chuyển giao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho bà con. Các ban, ngành, đoàn thể của bản đứng ra thành lập các tổ vay vốn thông qua tín chấp của các tổ chức hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp nông dân có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi.

Người dân bản Nà Dân, xã Mường Kim tái đàn lợn sau khi xảy ra bệnh dịch Tả lợn Châu Phi
Người dân bản Nà Dân, xã Mường Kim tái đàn lợn sau khi xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

 

Nhờ tích cực tuyên truyền, đổi mới phương pháp vận động, tư duy trong sản xuất nông nghiệp của bà con Nà Dân thay đổi rõ rệt. Hơn 10 năm trước, nông dân chỉ cấy 1 vụ thì nay tăng lên 2 vụ, trong đó đã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý để bảo đảm cho cây trồng phát triển tốt. Hằng năm, bản gieo cấy ổn định trên 36,5ha lúa với các giống: J02, séng cù, hương thơm, bắc thơm, năng suất suất bình quân đạt 58 - 67 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc bình quân đạt trên 2.255 tấn. Bản thực hiện các biện pháp luân canh cây trồng trong sản xuất như: 2 vụ trồng lúa, 1 vụ ngô hoặc rau, củ quả. Đồng thời, đưa vào trồng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như: ổi, bưởi diễn, mía, ngô nếp tím, cà chua, tỏi… Ngoài ra, bà con tích cực chuyển đổi diện tích đất thiếu nước, khai hoang thêm đất sản xuất trồng 20,5ha ngô (năng suất 30 tạ/ha), 10ha đậu tương, đỗ (năng suất 13 - 15 tạ/ha), 3,5ha lạc (năng suất 12 tạ/ha).

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, đưa máy cày, máy bừa vào sản xuất nông nghiệp, người dân trong bản tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện toàn bản có 116 trâu, 59 bò, 22 dê, 565 lợn, 1.750 gia cầm các loại. Nhờ làm tốt công tác tiêm phòng nên đàn vật nuôi phát triển ổn định, góp phần nâng cao đời sống của không ít hộ dân. Qua đó, nâng thu nhập bình quân lên 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% (năm 2017) xuống còn 3,5% (năm 2019).

Cũng từ việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, bản xuất hiện ngày càng nhiều hộ điển hình làm kinh tế như: hộ ông Nguyễn Văn Lan với mô hình chăn nuôi lợn, gà, thả cá, mỗi năm thu nhập trên 55 triệu đồng; gia đình bà Soi Thị Pộ với mô hình chăn nuôi gia súc, trồng lúa, làm dịch vụ xay xát thu nhập trên 50 triệu đồng; ông Điêu Văn Thịnh với mô hình nuôi dê, trâu, canh tác lúa, thu nhập 60 triệu đồng/năm… Ông Thịnh chia sẻ: “Để làm kinh tế hiệu quả, cần đổi mới tư duy trong lao động sản xuất, mạnh dạn đưa tiến bộ KHKT vào áp dụng. Cùng với đó, thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu, đưa cây, con giống, cách làm mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Có như vậy sản phẩm làm ra mới có năng suất, sinh lãi và có hiệu quả kinh tế bền vững”.

Từ hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở bản Nà Dân đã từng bước tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân; góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

                                                      Cập nhật ngày 20/4/2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.509
Hôm qua : 11.138
Tháng 04 : 174.375
Năm 2024 : 845.965
Tổng số : 82.312.058