• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Than Uyên khai thác tiềm năng phát triển thủy sản

(laichau.gov.vn)

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, mở rộng diện tích nuôi ao, tăng mật độ đàn, nuôi gối vụ… Đó là những giải pháp thiết thực, hiệu quả mà huyện Than Uyên đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Qua đó, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho bà con.

Mấy năm trở lại đây, nếu như ngành chăn nuôi của huyện còn gặp nhiều khó khăn do các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm gây ra, thì ngành thủy sản lại có bước phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự sáng tạo, chủ động, tích cực của chính người dân trong việc chuyển đổi phương thức nuôi từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá của gia đình anh Lò Văn Thiện ở bản Nà Ban (xã Hua Nà). Vừa thấy chúng tôi, anh Thiện hớn hở khoe: "Gia đình tôi vừa hoàn thiện phần xây bờ kè của ao ở dưới để thả gối thêm 50kg giống cá trắm cỏ và cá vược". Rồi anh dẫn chúng tôi đi tham quan các ao cá của gia đình. Vừa đi, anh vừa chỉ cho chúng tôi những bãi cỏ voi được trồng xung quanh ao. Anh bảo: Nhà tôi có 4 ao với tổng diện tích trên 4.000m2. Tôi nuôi theo hướng cá “sạch” để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, anh em người thân và người dân có nhu cầu, nên chủ yếu cho ăn cỏ voi, ngoài ra cắt cỏ non ở ngoài ruộng, cho ăn thêm ngô, sắn. Mỗi năm gia đình tôi xuất được hơn 1 tấn cá, thu về hơn 100 triệu đồng.

Người dân xã Ta Gia (huyện Than Uyên) chăm sóc cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng.
Người dân xã Ta Gia (huyện Than Uyên) chăm sóc cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Huội Quảng.

Cũng giống như anh Thiện, anh Điêu Văn Liên ở bản Nà Phát (xã Phúc Than) tận dụng diện tích sẵn có của gia đình, lại gần nguồn nước, mạnh dạn đào ao, gia cố, xây kè xung quanh ao để nuôi cá. Hiện tại gia đình anh Liên có 5 ao cá với tổng diện tích hơn 4.500m2, chủ yếu nuôi cá trắm, cá chép, cá rô-phi. Với phương châm nuôi cá “không chất kích thích tăng trưởng”, thức ăn cho cá được anh Liên sử dụng đều là những sản phẩm của ngành trồng trọt như: cỏ, cây chuối ngô, sắn… Đặc biệt, gia đình anh nuôi cá theo hình thức gối vụ, tăng đàn.

Anh Liên chia sẻ: Trước đây khi nuôi cá phục vụ nhu cầu của gia đình thì tôi chỉ thả 10 - 20kg giống/lần, nhưng bây giờ cũng trên diện tích ấy, tôi thả 30 - 50kg cá giống. Mỗi năm thu 2 ao cá; khi thu hoạch xong, vệ sinh khử khuẩn ao cá, tôi lại thả cá giống nuôi tiếp gối vụ luôn chứ không như trước đây cứ nuôi triền miên năm này qua năm khác. Từ việc bán cá, mỗi năm gia đình thu nhập thêm 80 triệu đồng.

Khai thác lợi thế, tiềm năng diện tích các lòng hồ thủy điện: Bản Chát, Huội Quảng, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ dân, thanh niên đăng ký tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Bám sát các đề án, chính sách của tỉnh về phát triển thủy sản, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp nhận và chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi, sản xuất các loại cá giống, biện pháp phòng trị bệnh trên cá cho người dân. Lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình: 30a/CP, nông thôn mới… huyện tập trung hỗ trợ làm lồng cá với kinh phí 10 triệu đồng/lồng, cấp cá giống, hỗ trợ một phần thức ăn cho các hộ tham gia nuôi cá lồng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ được vay vốn từ các ngân hàng: Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập nhằm thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lò Văn Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tạo nên thương hiệu về các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Hiện nay, huyện chỉ đạo các xã có diện tích lòng hồ thủy điện tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng thủy sản; nhân rộng các mô hình nuôi cá lồng. Đồng thời, huyện cũng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn vào đầu tư phát triển cá lồng, vừa thúc đẩy phát triển thủy sản, vừa tạo mối liên kết giá trị hàng hóa giúp tiêu thụ cá cho người dân.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2020, Than Uyên xây dựng kế hoạch làm mới 100 lồng cá trên lòng hồ thủy điện; đến nay đã thực hiện 100% kế hoạch huyện giao, nâng tổng số lồng cá lên 337. Trong đó, triển khai thực hiện 2 chuỗi liên kết thuộc nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới (hỗ trợ sửa lồng là liên kết tiêu thụ) tại 2 xã Mường Kim và Khoen On; hỗ trợ kinh phí làm mới 40 lồng cá thuộc nguồn hỗ trợ sản xuất theo Quyết định số 04 ngày 17/1/2020 của UBND tỉnh về “sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 - 2021”.

Được biết, đến thời điểm hiện tại toàn huyện có hơn 179ha ao, hồ nuôi thủy sản; hơn 6.000ha lòng hồ thủy điện với 337 lồng cá, tương đương trên 45 nghìn mét khối với đa dạng, phong phú các chủng loại như: cá rô-phi đơn tính, trắm, chép, lăng… Sản lượng nuôi và khai thác đạt 556 tấn/năm. Hiện nay, huyện thu hút được HTX Xây dựng Thanh Xuân; HTX Nông, công nghiệp, thương mại và du lịch Than Uyên vào đầu tư phát triển nuôi cá lồng, liên kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra còn có các HTX do thanh niên làm chủ tại xã Ta Gia, Mường Mít, Mường Kim…

Ông Nguyễn Văn Yên - Giám đốc HTX Xây dựng Thanh Xuân cho biết: Hiện nay, ngoài đầu tư nuôi cá lồng, HTX chúng tôi còn liên kết bao tiêu cho 21 hộ nuôi cá lồng của xã Mường Kim với 91 lồng cá, trong đó chủ yếu là cá lăng đen và cá trắm với sản lượng bình quân đạt hơn 100 tấn/năm.

Từ những giải pháp tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Than Uyên và sự chủ động của người dân trong việc khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển thủy sản đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân toàn huyện đạt 38,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,98% (năm 2020).

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trên, tuy vậy, việc nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn: dịch bệnh trên cá thường xuyên xảy ra, giá bán cá cao nên khó cạnh tranh; phát triển nuôi cá lồng phụ thuộc vào sự biến đổi của mực nước lên xuống của các hồ chưa thủy điện; nhiều hộ dân chưa quan tâm đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc cá dẫn đến năng suất thấp…

Để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện Than Uyên tiếp tục quy hoạch vùng nuôi tập trung; đẩy mạnh các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân; khuyến khích Nhân dân nuôi đa dạng các đối tượng, đa hình thức; đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô diện tích, phấn đấu đến hết năm 2020, toàn huyện đạt 1 nghìn lồng cá...

Cập nhật ngày 13/8/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 19
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 223.923
Năm 2024 : 654.758
Tổng số : 82.120.851