A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (16/7), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì Hội nghị.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Dự Hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Lương Thị Tuyến - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.  

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp, thực hiện theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp phòng, chống dịch; kiến nghị nhiều biện pháp về lao động, việc làm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động; đặc biệt, Bộ đã đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. 

Về lao động - việc làm, ước 6 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho trên 574 nghìn người, đạt 35,7% kế hoạch, bằng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 540 nghìn người, bằng 76,1% cùng kỳ; đưa trên 34 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, bằng 51% cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,82%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 62,4%. Về thực hiện chính sách an sinh xã hội, tính đến ngày 13/7/2020, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện giải ngân trên 11 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho hơn 11 nghìn người và trên 9 nghìn hộ kinh doanh. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 17 nghìn tỷ đồng. Trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 315 liệt sĩ, cấp đổi lại trên 6.500 bằng Tổ quốc ghi công. Thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất…Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tai nạn, thương tích…

6 tháng cuối năm 2020, Bộ đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành Chương trình công tác năm 2020 của Bộ; đặc biệt là Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động; đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tích cực, chủ động trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận, nêu ra các vấn đề: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn; xây dựng mối quan hệ hài hòa về lao động; hỗ trợ chính sách cho người có công mới phát sinh; bố trí ngân sách hỗ trợ công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến của đại biểu và giao cho Văn phòng Bộ tổng hợp, xem xét, đề nghị, kiến nghị với Chính Phủ, các Bộ, ban ngành liên quan giải quyết các vấn đề về lĩnh vực lao động, chính sách người có công và xã hội. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, nhưng trên thực tế ở các địa phương vẫn để xảy ra tình trạng tai nạn lao động, tai nạn thương tích ở trẻ em, công tác giảm nghèo còn nhiều hạn chế…Vì vậy, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương cần rà soát lại chương trình công tác năm 2020, không tự điều chỉnh các chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ; hoàn thiện các thể chế, ban hành các chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình công tác, trong đó ưu tiên, chú trọng những vấn đề cần quan tâm thuộc lĩnh vực của ngành. Đặc biệt quan tâm ở quý III phát triển thị trường lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh; chú ý việc điều tra thị trường; chịu trách nhiệm về các gói an sinh xã hội, giải quyết dứt điểm các chế độ chính sách cho người có công. Giao Cục quản lý lao động ngoài nước mở lại thị trường, tạo điều kiện cho công dân đi làm ở nước ngoài.

Đồng thời, đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền, chủ động cung cấp và tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin và phản hồi về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.


Tác giả: Lê Dương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.620
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 138.733
Năm 2024 : 810.323
Tổng số : 82.276.416