• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (26/6), Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật tỉnh chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan. Tại điểm cầu các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có đại diện lãnh đạo UBND, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật huyện và thành phố, xã, phường, thị trấn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ ngày 19/3/2019, đến ngày 25/12/2019 (ngày có ca bệnh cuối cùng), dịch bệnh đã xảy ra tại 5.633 hộ/585 bản/93 xã của 8 huyện, thành phố. Số lợn buộc phải tiêu hủy là 21.270 con, trọng lượng lợn tiêu hủy 875.198kg. So với tổng đàn lợn tại thời điểm dịch bệnh xảy ra (tháng 3/2019 là 253.900 con), số lợn buộc phải tiêu hủy chiếm gần 8,4%/tổng đàn; tỷ lệ hộ có lợn bị tiêu hủy chiếm khoảng 11% (5.643/51.950 hộ).

Sau khi tỉnh công bố hết bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì đến ngày 08/6/2020, trên địa bàn thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, bệnh Dịch tả lợn Châu phi đã xuất hiện tại một hộ chăn nuôi lợn ở Bản Màng, phường Quyết Thắng, sau đó dịch bệnh tiếp tục lây lan sang các hộ, các bản và các xã phường khác. Đến ngày 25/6/2020, bệnh đã xuất hiện tại 13 hộ/7 bản/4 xã, phường (Quyết Thắng, Đông Phong, San Thàng, Sùng Phài). Số lợn ốm, chết và tiêu hủy là 96 con. Tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy là 6.776 kg.

Ngày 24/6/2020, cơ quan chuyên môn tiếp tục nhận được thông tin lợn ốm, chết tại 3 huyện (Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ) và đã lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.

Nguyên nhân bước đầu được xác định có thể do tái phát từ ổ Dịch tả lợn Châu Phi cũ xảy ra năm 2019 trên địa bàn các xã, phường; hoặc do việc lưu thông, vận chuyển, giết mổ lợn đã nhiễm bệnh. Qua điều tra dịch tễ tại các hộ có lợn tái phát dịch thì sau khi tỉnh công bố hết dịch, nhiều hộ chăn nuôi còn chủ quan trong công tác chủ động phòng, chống dịch, không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hầu hết không thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo định kỳ cũng như hàng ngày; không áp dụng các biện pháp kiểm soát người, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, động vật, côn trùng ra, vào trại chăn nuôi...

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu các huyện, thành phố.

Để hạn chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ra các địa bàn khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cử lãnh đạo, cán bộ đi kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh, lấy mẫu, nhận mẫu và gửi mẫu đi xét nghiệm, đồng thời hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tổ chức, triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng: Cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn, kiểm tra việc lưu thông buôn bán gia súc trên thị trường; không giết mổ, bán chạy hay vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường; thực hiện tiêu hủy lợn chết theo quy định; cấp 400 lít hóa chất từ cho thành phố Lai Châu để chống dịch...

Riêng năm 2019, các cơ quan chức năng đã thành lập tổng số 141 chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát công tác vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; hỗ trợ các hộ tiêu hủy lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi 29.959 triệu đồng...

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn cũng như bàn các giải pháp để ngăn chặn, khống chế bệnh Dịch lợn tả Châu Phi lan rộng ra các địa bàn khác như: Tiếp tục thành lập các chốt để kiểm soát công tác vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; làm tốt công tác tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại; cần có phương án đề xuất với tỉnh, trung ương tiếp tục có chính sách hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh Dịch lợn tả Châu Phi; chỉ tái đàn, tăng đàn tại các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh...

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh động vật tỉnh, UBND các huyện, thành phố có ổ Dịch tả lợn Châu Phi phối hợp, quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch với phương châm “Dập dịch như chống giặc”. Phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống, khống chế dịch; nắm sát diễn biến tình hình dịch, tập trung nguồn nhân lực, vật lực tổ chức phòng, chống và khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.

Đối với các địa phương chưa có dịch cần tập trung triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn Luật, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh; tập trung nguồn nhân lực, vật lực tổ chức phòng, chống và khống chế dịch bệnh. Tổ chức rà soát, hướng dẫn, thống kê đàn lợn; tăng cường kiểm tra, giám sát, báo cáo đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh đối với đàn lợn, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng... nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay trong diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y. Tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở giết mổ động vật, kiên quyết đóng cửa các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi tăng quy mô; chỉ tái đàn, tăng đàn tại các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh...


Tác giả: Ngọc Sánh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.760
Hôm qua : 8.295
Tháng 03 : 222.056
Năm 2024 : 652.891
Tổng số : 82.118.984