• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trò chơi dân gian: Đánh cù

(laichau.gov.vn)

Đánh cù (hay còn gọi là Tù Lu) là trò chơi dân gian phổ biến trong nhiều tộc người ở Lai Châu. Tuy nhiên, quả cù của mỗi dân tộc thường khác nhau về kích thước, hình dáng cũng như quy cách thức thực hành chơi, quy định thắng thua.

Các chàng trai dân tộc Mông, xã Khun Há, huyện Tam Đường chơi đánh cù. (Ảnh: Kim Anh)

Để có được con cù tốt, ngoài kinh nghiệm và kỹ thuật gọt, đẽo của người chế tác, cần phải có nguyên liệu là những loại gỗ cứng (đinh, nghiến) có đường kính chừng 10cm. Dụng cụ chế tác cù chỉ là dao nhọn, một miếng gỗ nhỏ làm giá đỡ. Vừa đẽo, người làm vừa thử quay để căn độ chuẩn và những người bạn cùng nhau ngắm, cho ý kiến để con quay hoàn thiện hơn.

Chiếc cù của trẻ em trai người Mông được làm từ loại gỗ cứng, đẽo tròn, đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, đầu trên mâm xôi như quả chanh cắt lát hay dạng bán cầu. Chiếc cù của trẻ em trai người Dao cũng làm từ gỗ cứng, đẽo tròn, đầu dưới cũng thu dần thành nhọn, đầu trên thắt thành vai và để nhỏ một đoạn ngắn 2cm như chiếc nắp tích pha trà để làm nơi quấn dây.

Dân tộc Thái, Kinh cũng có con quay (cù) với đặc điểm một đầu nhọn có đóng đinh, còn con quay của người Mông thì không đóng đinh và ở phần dây cuốn con quay có cán cầm. Dây quấn quanh con quay cho đến sát cán cầm, một tay cầm con quay, một tay cầm cán (tay thuận dùng cầm cán), dùng lực mạnh từ cánh tay cầm cán đồng thời buông tay cầm con quay, con quay theo lực vung của cánh tay lao đến con quay được quay sẵn tại các vòng tròn cố định.

Khi chơi đánh cù, khu đất được chọn phải bằng phẳng. Trẻ em thường dùng dây mềm như: Vải, dây sợi bông, dây sợi gai, dây sợi đay... khá chắc (riêng dây quấn cù của trẻ em người Mông có buộc thêm một đoạn cây cứng có đường kính khoảng 1,5cm, dài 35 - 40cm), tùy từng loại cù, trẻ em quấn vào phần trên hay phần dưới của chiếc cù sau đó văng mạnh xuống vị trí đất đã định. Khi văng cù, dây được đồng thời kéo mạnh ngược trở lại, tạo lực cho cù quay tít dưới mặt đất.

Thông thường, chơi cù là một trò chơi tập thể, trẻ em trai phân ra làm hai nhóm, mỗi nhóm từ 1 đến 2 người hoặc nhiều hơn nhưng không quá 4 người mỗi bên.

Trước khi vào cuộc chơi, hai bên cùng đồng thời văng mạnh cù của mình xuống đất để chọn bên thắng, bên thua; bên thua là bên có cù quay dừng trước cù của đối phương. Khi chọn được bên thua thì bên thua phải văng cù của mình xuống cho bên thắng bắt đầu đánh cù, rồi lần lượt bên thua cho cù mình quay trước để từng người bên nhóm thắng dùng cù của mình văng đập chiếc cù đang quay của đối phương dưới đất, nếu cù của người nào dừng quay trước thì cù của người đó thua, và cứ như vậy lần lượt hết số người trong nhóm nếu thắng được đối phương thì đảo lại cho nhóm thứ nhất xuống cù trước, mà nếu nhóm thứ hai vẫn tiếp tục thua thì vẫn phải xuống trước cho đối phương tiếp tục đánh.

Có thể nói, trò chơi dân gian đánh cù yêu cầu trước tiên người chơi phải có sức khỏe, tinh mắt và phải tính toán nhanh chuẩn xác mới đánh trúng cù đang quay di chuyển vị trí liên tục của đối phương dưới mặt đất. Mặc dù trò chơi dân gian trên có chứa đựng những yếu tố giao thoa giữa nhiều các dân tộc khác nhau nhưng trò chơi đánh cù của trẻ em trai các dân tộc Lai Châu có đậm chất thể thao hơn và phản ánh tính sinh hoạt của cộng đồng.

Ngày nay, đánh cù đã trở thành môn thể thao truyền thống được nhiều người yêu thích và đưa vào thi đấu tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc...


Tác giả: Theo Địa chí Lai Châu xuất bản năm 2020
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.107
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 230.011
Năm 2024 : 660.846
Tổng số : 82.126.939