• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tân Uyên sau 10 năm thực hiện Nghị quyết nông nghiệp, nông dân và nông thôn

(laichau.gov.vn)
Những năm qua, xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những việc làm quan trọng, huyện Tân Uyên đã tích cực thực hiện Nghị quyết và đạt được những kết quả quan trọng, cuộc sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn được cải thiện.

Cánh đồng lúa tập trung của huyện Tân Uyên.

Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện

Huyện đã chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Theo đó, huyện đã tổ chức thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất... phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và điều kiện tự nhiên, xã hội của huyện. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhằm tăng giá trị năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Đến nay, cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị những lĩnh vực có lợi thế. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm tăng bình quân 7%/năm.

Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt không ngừng được tăng lên, đến nay diện tích trồng lúa nước đạt trên 5.700 ha (diện tích lúa nước tăng 946 ha so với năm 2009); duy trì trên 90% diện tích được gieo cấy bằng các giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao, 10% diện tích được cấy bằng lúa có giá trị kinh tế cao; giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích ngày càng tăng (năm 2017 đạt 32,50 triệu đồng/ha, tăng 8,45 triệu đồng/ha so với năm 2009) và xuất hiện nhiều cánh đồng có thu nhập cao... đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa với các giống đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như Séng Cù, Khẩu Ký, Nếp Cò Giàng với diện tích 690 ha tập trung ở xã Mường Khoa, Pắc Ta, Thân Thuộc và Thị trấn Tân Uyên. Vùng sản xuất cây ăn quả (nhãn, bơ) với diện tích 150 ha, tập trung tại các xã: Phúc Khoa, Thân Thuộc, Trung Đồng, Pắc Ta và thị trấn Tân Uyên; Tổng sản lượng lương thực có hạt tăng qua các năm, năm 2017 ước đạt trên 31.886 tấn, bình quân lương thực đầu người trên 566kg/người/năm, duy trì và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện.

Huyện đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt đề án phát triển chè; cây công nghiệp. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung như: Vùng chè nguyên liệu tại các xã Mường Khoa, Phúc Khoa, Thân Thuộc, Trung Đồng, Pắc Ta, Hố Mít, và Thị trấn Tân Uyên với diện tích 2.438,1ha. Vùng trồng Quế, Sơn tra với diện tích 2.695,5 ha tại các xã: Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít, Hố Mít, Mường Khoa. Tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2017 đạt 2.438,1 ha, sản phẩm chè ngày càng đa dạng về mẫu mã, chủng loại và nâng cao về chất lượng; cây Mắc ca phát triển nhanh, tổng diện tích cây Mắc ca trồng mới giai đoạn 2009-2018 là 184 ha. Người dân trên địa bàn huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để phát triển chăn nuôi, thuỷ sản. Đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện đạt trên 51.919 con, tăng 15.056 con với năm 2009; diện tích nuôi thả cá đạt 120,1 ha (có 80 lồng cá với tổng thể tích 10.800 m3). Sản lượng và giá trị sản xuất ngành thủy sản ngày càng tăng. Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, công tác trồng rừng ngày càng được chú trọng, trong giai đoạn 2009-2017 huyện đã trồng được 3.559 ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng năm 2017 ước đạt 38,25%, tăng 13,45% so với năm 2009.

Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, bước đầu đã hình thành các điểm dịch vụ ở nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 02 đơn vị gieo ươm cây chè với 04 vườn ươm có khả năng sản xuất 6 triệu bầu chè/năm, đảm bảo cây giống phục vụ đề án phát triển vùng Chè nguyên liệu của huyện; có 03 cơ ở ấp nở giống gia cầm với quy mô từ 3.000 - 5.000 con/lần, có 01 tổ Hợp tác xã dịch vụ vật tư, kỹ thuật nông nghiệp, trên địa bàn các xã có 46 cửa hàng, cơ sở cung ứng vật tư nông nghiệp. Huyện đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thương hiệu sản phẩm. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 02 sản phẩm hoàn thành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận là Chè Tân Uyên và gạo Khẩu Ký.

Chú trọng xây dựng nông thôn mới

Huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Huyện đã hoàn thành việc quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn 09/09 xã; triển khai việc việc rà roát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại và đạt chuẩn. Huyện đã thực hiện nhựa hóa, bê tông hóa, mở mới được 176,96 km đường giao thông các loại, đến nay có 5/9 xã đạt tiêu chí Giao thông; nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hóa trên 200 công trình thủy lợi (trong đó xây mới 55 công trình), kiên cố thêm 132,5km kênh mương, 9/9 xã đạt tiêu chí thủy lợi; có 04 nhà văn hóa xã, 61 nhà văn hóa bản. Hạ tầng lưới điện có bước phát triển, 100% các xã có điện lưới Quốc gia, trên 97,5% hộ dân được sử dụng điện (tăng 35,5% so với năm 2009)…

Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được huyện tích cực thực hiện. Huyện đã tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ bước đầu đạt kết quả tốt, hình thành các vùng sản xuất lương thực hàng hóa, vùng Quế, vùng Chè tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Huyện đã tích cực thực hiện công tác giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã trung bình còn 23,40%, giảm 32,4% so với năm 2009; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 92%; 100% các xã đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững, 7/9 xã có Hợp tác xã hoạt động theo quy định của luật HTX năm 2012; 9/9 xã đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất và Lao động có việc làm. Do vậy, đến hết năm 2017 bình quân các xã trên toàn huyện đạt 14,6 tiêu chí; trong đó có 04/09 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Để đạt được kết quả trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải quán triệt sâu sắc nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương 7 (khoá X), làm rõ trách nhiệm cụ thể của các tổ chức trong triển khai thực hiện; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa chính trị, kinh tế, nhân văn của Nghị quyết và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quan tâm lãnh, chỉ đạo toàn diện, trong đó chú trọng những mục tiêu chính, nhiệm vụ trọng tâm; phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; biết khơi dậy, nuôi dưỡng, phát triển nguồn lực trong Nhân dân, lấy tinh thần thi đua làm phương châm chủ đạo trong lãnh, chỉ đạo thực hiện. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết để góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.

Kim Anh - Cổng Thông tin điện tử tỉnh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.093
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 224.997
Năm 2024 : 655.832
Tổng số : 82.121.925