A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mường Tè: Không gian văn hoá đa sắc màu

(laichau.gov.vn)
Nếu ai đã từng đến Mường Tè thì đều phải thừa nhận rằng mặc dù là tỉnh biên giới xa nhất của Lai Châu, nhưng lại có một nền văn hoá đa sắc màu của các dân tộc như: Thái, Mông, Cống, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Mảng… Để giới thiệu đến đông đảo Nhân dân, du khách trong nước và Quốc tế, tại Lễ hội Ném còn 3 nước Việt – Lào – Trung lần thứ VI năm 2019, huyện Mường Tè đã tái hiện một cách chân thực và sinh động những nét văn hoá đặc sắc ấy trong các không gian văn hoá.

Các diễn viên, nghệ nhân bật bông tại không gian văn hoá dân tộc Hà Nhì.

Để tạo nên những không gian văn hoá vừa độc đáo nhưng phải đảm bảo việc giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc, từ nhiều ngày trước Lễ hội, huyện Mường Tè đã phân công các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo các phòng, ban của huyện phụ trách xây dựng các không gian văn hoá. Không gian văn hoá của dân tộc nào thì giao cho chính đồng chí lãnh đạo là người dân tộc đó đảm nhiệm để có thể tái hiện một cách tốt nhất những nét đẹp trong văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc.

Có mặt tại không gian văn hoá dân tộc Hà Nhì, chị Lù Phí Pa – Trưởng Phòng Tư pháp huyện Mường tè chia sẻ: Từ khi có kế hoạch triển khai, các đồng chí lãnh đạo huyện được giao phụ trách không gian văn hoá Hà Nhì đã triển khai mọi công tác chuẩn bị, chỉ đạo và huy động các đồng chí Chủ tịch, cũng như Nhân dân ở các xã có người Hà Nhì như Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả cùng cán bộ trực tiếp làm các không gian văn hoá này. Tại đây, các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, trang phục dân tộc, trò chơi dân gian được bà con đem đến để trưng bày giới thiệu tới bạn bè và khách Quốc Tế. Người Hà Nhì bày tỏ niềm vui mừng và phấn khởi khi truyền thống văn hoá của dân tộc mình tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Phụ nữ Hà Nhì khoe tài sàng sảy tại không gian văn hoá dân tộc Hà Nhì.

Dân tộc Hà Nhì được phân bố gần như rộng khắp các xã trong huyện Mường Tè. Người Hà Nhì tự hào với lịch sử lâu đời, kho tàng văn hóa đặc sắc với: Nhà ở cổ truyền là nhà đất, bộ khung nhà khá đơn giản, có hiên rộng, tường trình rất dày; truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang và đào mương đắp đập lấy nước; có các nghề thủ công như đan lát, dệt vải, phần đông người Hà Nhì tự túc được vải mặc; trang phục của nữ gồm có áo ngắn mặc bên ngoài, áo dài mặc bên trong, quần thụng bằng vải chàm đen, trang trí hoa văn trên trang phục thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chủ yếu là gam màu đỏ tươi được tạo nên bởi các đường thêu bằng chỉ đỏ, vắt ngang thân áo, khăn và mũ. Đi kèm với bộ quần áo là các đồ trang sức bằng bạc được may kèm như chiếc yếm có gắn 3 hàng cúc bạc hoặc đồng xu bạc to bằng 2-3 ngón tay đính ở trước ngực; trang phục của nam giới đơn giản hơn, chỉ gồm có áo, quần, khăn quấn đầu.

 Trong bức tranh không gian văn hoá đa sắc màu ấy, nổi bật lên là không gian văn hoá dân tộc Thái. Chiếm dân số đông nhất trong cộng đồng 20 dân tộc của Lai Châu và chiếm 23,54% tổng dân số dân tộc Thái trong toàn tỉnh. Ở Mường Tè, người Thái định cư chủ yếu tại các xã Vàng San, Mường Tè, Bum Nưa và thị trấn Mường Tè. Vẻ đẹp trong văn hoá của người Thái không chỉ qua bộ áo cóm, chiếc khăn piêu, mà còn toát lên ngay từ trong tâm hồn dung dị, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhà ở của người Thái là nhà sàn với 2 gian hồi để trống và lan can bao quanh. Họ thường tự may trang phục truyền thống nên trong nhà thường có khung cửu dệt vải. Phụ nữ Thái nổi tiếng nấu ăn ngon với nhiều món ẩm thực độc đáo, giỏi ca hát nên đời sống văn hoá tinh thần khá phong phú.

Phụ nữ Mông trang trí tại không gian văn hoá dân tộc mình.

Đến với không gian văn hoá dân tộc Mông, thực khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công được tạo nên từ bàn tay khéo léo của phụ nữ Mông. Người Mông ở Mường Tè thuộc nhóm Mông Hoa cư trú chủ yếu ở 2 xã Tà Tổng và Can Hồ với dân số 7.044 người, chiếm 16,445% dân số đồng bào Mông trên toàn tỉnh. Nhà của người Mông chủ yếu nhà gỗ. Trang phục của phụ nữ Mông là nghệ thuật tạo hình trên màu vải chàm truyền thống, được làm cầu kỳ từ nguyên liệu thiên nhiên (cây lanh)… 

Phụ nữ dân tộc Cống cùng chụp ảnh lưu niệm tại không gian văn hoá dân tộc Cống

Dân tộc Cống, La Hủ, Si La là 3 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến. Từ nghi thức lao động sản xuất, sinh hoạt đã hình thành nên nét văn hóa đặc sắc, phong phú, nhất là kho tàng dân ca, dân vũ. Người Cống có điệu gà gáy, chặt gỗ đóng thuyền... người Si La nổi tiếng với điệu hát Nhăm nhăm bơ, Bơ kỵ bơ lơ, điệu hát ru con... còn người La Hủ lại giỏi trong kinh nghiệm săn bắt, hái lượm. Người La Hủ cũng có Lễ cúng bản, có tết mùa mưa và còn nhiều điệu dân ca độc đáo. Với truyền thống văn hóa lâu đời, người Cống, Si La và La Hủ đều có hệ thống tri thức dân gian, phong tục, tập quán đa dạng thể hiện rõ nét trong lễ, tết, hội suốt chu kỳ đời người hay chu kỳ nông vụ.

Trai, gái cùng ném còn tại không gian văn hoá.

Không chỉ giới thiệu những nét đẹp trong sinh hoạt, sản xuất, trong trang phục, lao động, tại các không gian văn hoá còn diễn ra các hoạt động vui chơi các trò chơi dân gian của các dân tộc, múa những điệu truyền thống, tái hiện lại quá trình bật bông, dệt vải… Với sự đầu tư kỹ lưỡng, sự chuẩn bị chu đáo, công phu, các không gian văn hoá đã thực sự giúp Nhân dân, du khách trong nước, Quốc Tế mãn nhãn, hài lòng về những điều được chiêm nghưỡng, trải nghiệm, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh về con người Mường Tè nói riêng và con người Lai Châu (Nước HCXHCN Việt Nam) nói chung tới bạn bè Quốc Tế.

Đông đảo người dân và du khách thăm quan các gian trưng bày.

Rời chân khỏi các không gian văn hoá được bố trí dọc bên Hồ khá thoáng đãng và thơ mộng. Mỗi du khách đều cảm nhận được sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền cũng như Nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trong huyện. Hi vọng rằng, những không gian văn hoá này sẽ tiếp tục được duy trì, bổ sung và hoàn thiện hơn nữa, là điểm đến văn hoá cho mỗi du khách khi đến với Mường Tè.

Đinh Lan


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.849
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 135.962
Năm 2024 : 807.552
Tổng số : 82.273.645