A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác ứng phó bão số 5 được triển khai gấp rút

(laichau.gov.vn)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện chiều 16/9 về ứng phó với bão số 5, các bộ, ngành, địa phương đã yêu cầu lực lượng chức năng triển khai các phương nhằm bảo đảm an toàn tính mạng con người và tài sản.

Hướng di chuyển của bão số 5. Ảnh: Trung tâm KTTV quốc gia.

Bão số 5 là một cơn bão có sức gió rất mạnh. Trong bản tin báo bão khẩn cấp phát hồi 4h sáng ngày 17/9, Trung tâm DBKTTV Quốc gia cho hay vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây-tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 4h ngày 18/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi khoảng 160 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,5 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía tây kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.

Ngoài ra, bão số 5 còn có thể gây mưa to đến rất to tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi từ chiều 17 đến đêm 18/9 với lượng mưa phổ biến 200-300 mm/đợt, có nơi trên 400 mm…

Ngay trong chiều 16/9, trong Công điện về ứng phó bão số 5, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo và triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương.

Trước đó vào sáng 16/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương để lên phương án ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.

Nhận định đây là cơn bão rất lớn, dự kiến lại đổ bộ vào đất liền cùng lúc với triều cường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương chủ động rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhà yếu không bảo đảm an toàn.

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện về ứng phó với bão số 5.

Cũng trong chiều 16/9, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng) đã có Điện đề nghị Bộ Tư lệnh các Quân khu 3, 4, 5; Quân đoàn 1, 3; Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với bão.

Theo đó, các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết; thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão số 5 nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Trước đó vào chiều tối ngày 15/9, Văn phòng Bộ Công an cũng có Công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các đơn vị của Bộ về việc ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.

Công điện của Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật, bổ sung ngay phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể từng địa phương, bảo đảm an toàn chống dịch COVID-19, đặc biệt là an toàn tại các điểm sơ tán dân tập trung; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng phó và khắc phục hậu quả khi có yêu cầu…

Là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất và cung ứng điện, chiều 16/9, EVN tổ chức họp trực tuyến, yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về tập trung ứng phó với bão số 5.

Theo đó, dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung toàn bộ lực lượng ứng phó với bão; cập nhật, thực hiện đầy đủ các nội dung trong chỉ đạo của các cấp; thực hiện nghiêm túc phương châm "bốn tại chỗ". Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; chuẩn bị mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố do thiên tai gây ra.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi kêu gọi tàu thuyền chủ động tránh, trú bão.

Tại các địa phương, công tác ứng phó với bão số 5 cũng được triển khai nhanh chóng.

Các UBND và Ban Chỉ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đều chỉ đạo các địa phương, đơn vị lên phương án ứng phó.

Theo đó, ứng phó với bão cần tuân thủ phương châm “bốn tại chỗ”; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước, cơ quan, đơn vị...

Trên biển, tùy diễn biến của bão có thể ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra biển. Kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản…

Trên đất liền, có phương án rà soát để gia cố nhà cửa, kho tàng, trường học; sẵn sàng phương án di dời dân cư và bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19; sẵn sàng phương án tiêu thoát nước nơi ngập úng; bảo vệ đê điều theo cấp báo động, bảo vệ sản xuất nông nghiệp…

Cập nhật ngày 17/9/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.927
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 140.040
Năm 2024 : 811.630
Tổng số : 82.277.723