• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa

(laichau.gov.vn)

Chiều nay (25/9), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ấn nút khánh thành hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Tham dự lễ khánh thành tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế, hơn 5.000 y, bác sĩ tại các điểm cầu trên cả nước và một điểm cầu tại Lào, một điểm cầu tại Campuchia.

Dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Nguyễn Văn Đối - Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

Trong đó, Y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính như: “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025  tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là: “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel trao tặng 178 hệ thống hội chẩn từ xa cho Bộ Y tế.

Điển hình như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ tiến hành 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ 3 và thứ 5). Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8 - 10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, Bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối.

Hay Bệnh viện Bạch Mai sau 1 tháng triển khai đã tổ chức 9 buổi khám chữa bệnh từ xa; 4 buổi tư vấn phòng chống bệnh cho cộng đồng; 343 bệnh viện kết nối; 34 ca bệnh được khám và hội chẩn; 10 khoá đào tạo các chuyên đề phòng chống dịch, hồi sức cấp cứu và nội khoa; trong đó, ngày 11/9 Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân nữ sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút nhờ khám chữa bệnh từ xa….

Để các bệnh viện có căn cứ hoạt động và có các hướng dẫn cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các bên liên quan bước đầu xây dựng các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu của Đề án. Đó là Hướng dẫn Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; Sách vàng 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa…

Đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Việc người dân được hưởng các dịch vụ và chăm sóc y tế ngay tại tuyến dưới giúp tiết kiệm chi phí, tăng cường sự hài lòng người bệnh. Người bệnh cũng hiểu rõ hơn những hoạt động chuyên môn đòi hỏi tập trung trí tuệ, sức lực của cán bộ y tế.

Sau hơn 2 tháng triển khai đồng loạt, Đề án khám, chữa bệnh từ xa đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như: Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu ấn nút khánh thành hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và chúc mừng Bộ Y tế, Bộ Y tế đã cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cho ngành và đã xây dựng thành công cũng như triển khai Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” - một đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trên mọi miền của tổ quốc, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sự kiện này ý nghĩa hơn khi thế giới đang mắc đại dịch Covid-19 chưa thuyên giảm, và Việt Nam chúng ta đã hơn 20 ngày không ghi nhận ca mắc cộng đồng. Việt Nam tự hào là quốc gia đã lần thứ 2 khống chế thành công dịch bệnh bằng tất cả những giải pháp quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta đã có nhiều tấm gương sáng trong các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt kể đến ngành Y tế các y bác sỹ đã quên mình phục vụ người bệnh; không quản nguy hiểm, khó khăn cứu chữa người dân.

Cùng với đó là nhiều mô hình, cách làm phòng chống dịch hay, hiệu quả được đề xuất và triển khai trong đó có cả việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông và nhất là các bệnh viện đã chủ động tích cực phối hợp với Viettel để cùng triển khai, kết nối các điểm cầu - là những cơ sở khám chữa bệnh ở các địa phương, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.


Tác giả: Phạm Thịnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.429
Hôm qua : 8.295
Tháng 03 : 222.725
Năm 2024 : 653.560
Tổng số : 82.119.653