• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập

(laichau.gov.vn)

Cách đây 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra đã làm rung chuyển chính quyền cai trị của thực dân Pháp và tay sai.

Khoi nghia Nam Ky - Y chi quat cuong va khat vong gianh doc lap hinh anh 1
Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa 23/11/1940-23/11/2020, ngày 22/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Khởi nghĩa Nam Kỳ-Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam.”

Hội thảo nhằm khẳng định những giá trị và truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập; tri ân sự hy sinh và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh vì nền hòa bình và thống nhất đất nước; đồng thời, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều này nhằm góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh cách đây 80 năm, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra đã làm rung chuyển chính quyền cai trị của thực dân Pháp và tay sai ở Nam Kỳ, trở thành tiếng súng báo hiệu cho sự thắng lợi tất yếu của cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, đi vào lịch sử như một bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, sự hy sinh oanh liệt và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi vào lịch sử như một trong những bản hùng ca bi tráng nhất trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Bộ; thể hiện tinh thần yêu nước cháy bỏng; khẳng định bản lĩnh kiên cường, bất khuất, ý chí quyết chiến, quyết thắng, một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo cách mạng của quân dân Nam Bộ vì khát vọng độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, “là gương anh hùng, dũng cảm cho nhân dân cả nước noi theo."

Do những lý do chủ quan và khách quan, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi tới thắng lợi cuối cùng. Bị thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man, dìm trong bể máu, nhiều chiến sỹ, đồng bào ta đã ngã xuống, hy sinh oanh liệt.

Dù chịu nhiều tổn thất song phong trào cách mạng ở Nam Bộ không bị thoái lui mà ngược lại, những kết quả bước đầu của cuộc khởi nghĩa tiếp tục được củng cô; lực lượng cách mạng còn lại tiếp tục được phát triển; những kinh nghiệm xương máu được nghiêm túc đúc kết và vận dụng sáng tạo; hào khí và tinh thần quật khởi của Khởi nghĩa Nam Kỳ không ngừng phát huy cao độ.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là minh chứng sinh động, hùng hồn, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta về việc đặt nhiệm vụ phản đế lên hàng đầu; là cơ sở thực tiễn để Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5/1941 tổng kết, hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền toàn quốc; là bước tập dượt quan trọng để chúng ta giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Khoi nghia Nam Ky - Y chi quat cuong va khat vong gianh doc lap hinh anh 2
Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên với các đại biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Nhấn mạnh cuộc khởi nghĩa đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam thành đồng Tổ quốc, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nêu rõ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 là một trong những cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành độc lập tự do và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; góp phần cho Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Thời gian ngày càng lùi xa, đất nước ta ngày càng phát triển, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín ngày càng tăng lên thì giá trị của sự hy sinh cao cả của cả dân tộc ta càng được khẳng định sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Tròn 80 năm qua, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã có nhiều cuộc hội thảo, sách sử đã ghi rất đậm nét nhưng chắc chắn còn nhiều vấn đề để chúng ta có thể bổ sung, tôn vinh tương xứng với tầm vóc của lịch sử. Bổn phận của cuộc hội thảo hôm nay là chúng ta tiếp tục thực hiện theo tinh thần ấy,” Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cùng với việc khẳng định những giá trị lịch sử to lớn, Hội thảo cũng nhấn mạnh hào khí của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ hội tụ và tiếp tục lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của khởi nghĩa Nam Kỳ tiếp tục được Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Nam Bộ hôm nay kế thừa, phát huy trong quá trình xây dựng quê hương giàu đẹp, đưa Nam Bộ thành đồng trong kháng chiến trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, toàn diện, đổi mới sáng tạo, giàu bản sắc; trở thành khu vực tiên phong trong công cuộc đối mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Tròn 80 năm qua, hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa vẫn luôn không ngừng được hun đúc và tỏa sáng qua các thế hệ, trở thành nguồn sức mạnh miền to lớn góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng miền Nam và cả nước, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

“Chúng ta có trách nhiệm lan tỏa tinh thần, ý chí và hào khí đó trở thành khát vọng phát triển quê hương, đất nước; phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần yêu nước và truyền thống anh hùng của Nam Bộ thành đồng nói chung, Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn nói riêng, trở thành động lực và nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội; biến sự kiên cường, thông minh, gan dạ trong chiến đấu trở thành bản lĩnh kiên trì, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất, kinh doanh; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, hết mực trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân,” Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh./.

Cập nhật ngày 22/11/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 193
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 224.097
Năm 2024 : 654.932
Tổng số : 82.121.025