A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tân Uyên phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020

(laichau.gov.vn)

Tính hết năm 2019, huyện Tân Uyên có 8/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5/9 tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự, chỉ đạo nông thôn mới). Hiện Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đang nỗ lực thực hiện để phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Trao đổi với chúng tôi về công tác xây dựng nông thôn mới của huyện, ông Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Sau 10 năm (2010-2019) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tân Uyên đã đạt được kết quả đáng khích lệ; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 33 triệu đồng/người/năm (tăng 26,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2010); đã thực hiện đầu tư nâng cấp, mở mới được 302,25 km đường giao thông nông thôn; có 8/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5/9 tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đã được Chính phủ công nhận thoát nghèo vào năm 2018. Hiện huyện Tân Uyên còn 4 tiêu chí (quy hoạch, y tế - văn hóa - giáo dục, giao thông, môi trường) cấp huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay từ cuối năm 2019, huyện đã cho rà soát lại từng tiêu chí và đưa ra các giải pháp để thực hiện.

 

Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất chè đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

 

Từ các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo, huyện ưu tiên để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã, trong đó ưu tiên cho các tiêu chí chưa đạt, cho các xã phấn đấu đạt chuẩn theo lộ trình từng năm và xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vận động Nhân dân hiến đất, tham gia làm đường giao thông, khu thể thao, nhà văn hóa và các công trình xây dựng khác; chủ động thực hiện các tiêu chí từ nguồn lực của Nhân dân như: văn hóa, môi trường, nhà ở dân cư...; khuyến khích người dân tích cực tham gia xây dựng bản điển hình, đồng thời gắn lợi ích của người dân với việc xây dựng, duy trì bản điển hình trong xây dựng nông thôn mới.

Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá nên được huyện quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% tuyến đường do huyện quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn; 100% mặt đường tuyến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Tuy nhiên, huyện vẫn chưa đạt tiêu chí giao thông vì trên địa bàn huyện có 36 km đường thủy nội địa nối xã Tà Mít và xã Nậm Cần, với 116 phương tiện đường thủy đã được đăng ký cấp phép hoạt động nhưng trên bến thủy nội địa chưa lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn giao thông. Hệ thống bến xe khách huyện đã được quy hoạch với diện tích 3,4 ha tại xã Thân Thuộc nhưng chưa được đầu tư xây dựng. Vì vậy, tiêu chí giao thông huyện chưa đạt chuẩn theo quy định. Để đạt tiêu chí này, huyện tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông đảm bảo đạt chuẩn, kết nối với mạng lưới giao thông liên vùng, liên kết các khu dân cư với khu sản xuất theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông của huyện; triển khai xây dựng bến xe khách đảm bảo theo quy hoạch; trình cấp trên về việc lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn giao thông trên vùng lòng hồ, thuận tiện cho các phương tiện giao thông hoạt động.

Đối với tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục, huyện chưa đạt là do huyện chưa có trụ sở làm việc của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thiếu các biên chế hoạt động theo quy định và chưa có trường THPT đạt chuẩn. Hiện huyện đang quan tâm đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; đã trình tỉnh phương án sáp nhập bộ phận sự nghiệp của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện để thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện; tập trung đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia và cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu năm 2020 có trên 60% trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện và trên 70% số trường ở các xã đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất; tăng cường vận động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông, trung học bổ túc, học nghề đạt từ 70% trở lên; giữ vững tỷ lệ phổ cập mầm non, tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở.

Người dân huyện Tân Uyên đẩy mạnh chăm sóc tốt đàn lợn của gia đình. 

 

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đẩy mạnh công tác chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát triển sản xuất; thực hiện tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; thực hiện tốt việc sản xuất tập trung, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực trên địa bàn; duy trì vùng sản xuất lương thực với diện tích khoảng 6.700 ha, sản lượng lương thực đạt trên 32.000 tấn; mở rộng diện tích sản xuất lương thực hàng hóa, đưa diện tích lúa đặc sản lên trên 690 ha; thực hiện trồng mới Chè, Quế, Mắc ca, góp phần nâng diện tích chè toàn huyện lên 3.000 ha, Quế 3.000 ha, Mắc ca 500 ha, cây ăn quả 150 ha…; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm hiện có; mở rộng mô hình nuôi cá lồng ở vùng lòng hồ với quy mô lồng từ 200-300 lồng… Phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người lên trên 36 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 (tăng trên 3 triệu đồng/người/năm so với năm 2019). 

Trong công tác quy hoạch, huyện đang tiến hành xây dựng quy hoạch vùng đảm bảo yêu cầu theo quy định; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung của từng xã và quy hoạch ngành trên địa bàn, gắn quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đối với tiêu chí môi trường, huyện tiến hành quy hoạch thêm bãi rác ở khu vực xã Mường Khoa - Phúc Khoa và Pắc Ta - Hố Mít; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đào hố rác của gia đình, phân loại rác thải theo quy định và tiến hành tiêu hủy rác vô cơ.

Nậm Sỏ là xã cuối cùng chưa đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Tân Uyên. Hiện xã đã có 12 tiêu chí đạt chuẩn, còn 7 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Lường Văn Ương – Chủ tịch xã Nậm Sỏ cho biết: Đối với các tiêu chí chưa đạt, xã tiến hành rà soát lại, xây dựng kế hoạch thực hiện từng tiêu chí. Để tăng thu nhập, xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chăm sóc trên 500 ha Quế, trên 220 ha Sơn Tra; đưa các giống cây ngắn ngày có giá trị kinh tế vào sản xuất như Nghệ, Chuối, Sâm và đẩy mạnh công tác chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với tiêu chí nhà ở, xã kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ và vận động người dân phát huy nội lực để thực hiện. Hiện Đảng bộ, chính quyền và người dân trên địa bàn xã Nậm Sỏ đang gấp rút, đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.

Người dân xã Nậm Sỏ chăm sóc diện tích quế đã trồng.

 

Cùng với các giải pháp đề ra, huyện Tân Uyên tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các địa phương đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Mong rằng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Tân Uyên sẽ đạt được mục tiêu là huyện thứ hai trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.


Tác giả: La U
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.742
Hôm qua : 7.172
Tháng 04 : 126.077
Năm 2024 : 797.667
Tổng số : 82.263.760