A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Than Uyên tích cực phát triển sản xuất nông sản hàng hóa tập trung

(laichau.gov.vn)
Sau 3 năm thực hiện Chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020, kinh tế ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Than Uyên tiếp tục phát triển, bước đầu đã hình thành được vùng sản xuất chuyên canh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Người dân huyện Than Uyên thu hoạch lúa mùa.

Huyện Than Uyên xác định Chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020 là một nội dung trọng tâm trong phát triển nông nghiệp ở địa phương. Với mục tiêu tăng thu nhập cho người dân, huyện đã quy hoạch vùng sản suất chè, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao trên 580 ha ở xã Phúc Than, Mường Than, Mường Kim, Hua Nà và Mường Cang với sản lượng trên 3.380 tấn/vụ; quy hoạch vùng trồng chè mới trên 400 ha ở các xã Phúc Than, Mường Than, Hua Nà, Mường Kim và Tà Mung; thành lập mới 07 hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, đồng thời khuyến khích các hợp tác xã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực trong việc thu mua, chế biến bao tiêu sản phẩm nông sản hàng hóa.

Cùng với đó, huyện đã triển khai các mô hình, dự án trồng khảo nghiệm, thử nghiệm giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng trong việc lựa chọn giống, áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất; đã triển khai hỗ trợ nhiều máy nông cụ các loại như máy cáy bừa, máy tuốt, máy tẽ ngô, máy gặt lúa, máy sát thóc mi ni, máy cắt cỏ, máy thái rau, củ, quả. Qua đó,  đã làm thay đổi dần tập quán canh tác của người dân, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sản xuất,  tạo ra hướng đi mới trong sản xuất.

Huyện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện; thúc đẩy phát triển các mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân và cơ quan quản lý trong việc sản xuất giống, doanh nghiệp ứng trước các yếu tố đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý.

Người dân ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Công tác quảng bá sản phẩm được huyện chú trọng thực hiện để đưa sản phẩm của người dân ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Huyện đã xây dựng được hệ thống cung cấp thông tin thị trường và giới thiệu được các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế trên địa bàn huyện; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để dự báo thị trường về những mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản chủ lực.

Chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020 đã góp phần phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu tập trung; hình thành được vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra hướng đi mới cho người dân; tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng, có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 32 triệu đồng (tăng 6 triệu đồng so với năm 2017); có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,65% vượt kế hoạch đề ra và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đã thoát nghèo.

Tuy nhiên, chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung vẫn còn những khó khăn như quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa phát huy tốt vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất; chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp được liên kết sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã; cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển còn chậm; thị trường tiêu thụ hàng nông sản chủ yếu là nội địa và chưa ổn định; chưa có nhiều thương hiệu sản phẩm; chưa có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân; chất lượng nguồn nhân lực và lực lượng lao động nông thôn còn hạn chế, chủ yếu lao động qua các lớp dạy nghề ngắn hạn; công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất chủ yếu tập trung ở vùng thấp, vùng thuận lợi, đối với vùng cao còn gặp nhiều khó khăn...

Để đẩy mạnh chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, thời gian tới huyện Than Uyên tiếp tục tăng cường năng lực dự báo, thông tin thị trường, định hướng cho các địa phương sản xuất cây trồng - vật nuôi phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao, tránh cách làm chạy theo trào lưu dẫn tới sản phẩm người dân sản xuất ra không tiêu thụ được; tham mưu cho cấp trên có chính sách thúc đẩy việc phát triển sản xuất theo vùng - liên kết vùng; vận động người dân tăng cường học tập, ứng dụng các quy trình sản xuất, công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; khuyến khích người dân tái sản xuất trong chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền người dân tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp để ứng dụng các kiến thức kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi vào sản xuất.

Đức Chinh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 514
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 126.868
Năm 2024 : 798.458
Tổng số : 82.264.551