A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị công tác dân vận trong hoạt động hòa giải

(laichau.gov.vn)

Hội nghị được Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Cán sự Bộ Tư pháp tổ chức vào sáng nay (13/7).

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu.

Tại điểm cầu Trung ương các đồng chí: Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; các đồng chí là Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và 63 điểm cầu của cả nước.

Dự Hội nghị về phía điểm cầu Lai Châu có đồng chí Vũ Văn Hoàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Ngọc Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Luật hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Qua 6 năm thi hành Luật, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, hiệu quả, tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội; giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống Nhân dân một cách nhân văn, ít tốn kém và hiệu quả bền vững. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và tổ hòa giải được kiện toàn và nâng cao chất lượng. Đến ngày 31/12/2019, cả nước có trên 96.600 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với trên 600.460 hòa giải viên.

Từ năm 2014 - 2019, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải trên 875.310 vụ việc; hòa giải thành công 707.945 vụ việc (đạt tỷ lệ 80,9%). Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140.000 vụ việc và hòa giải thành công trên 120.000 vụ việc. Những vụ việc được hòa giải ở cơ sở chủ yếu thuộc lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai và các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Số lượng các vụ việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân, giảm tải các công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc hòa giải ở cơ sở đã góp phần làm đổi mới công tác dân vận ở chính quyền, làm cho môi trường xã hội Việt Nam ổn định, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Đề cập đến chủ đề của năm 2020 là “Năm dân vận khéo”, Phó Thủ tướng cho rằng, muốn “khéo” thì các hòa giải viên, cán bộ, chính quyền các cấp không chỉ chú trọng công tác dân vận, hòa giải nói riêng mà đặc biệt phải nắm chắc các quy định của pháp luật, phải có lý, có tình. Muốn dân hiểu thì phải có uy tín, nói trên quan điểm của Nhân dân, xuất phát từ tấm lòng. Trong hòa giải cũng như thực hiện công tác dân vận ngoài việc tham gia để làm cho các mâu thuẫn từ to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì, góp phần tiết kiệm thời gian của bộ máy thì trong quá trình thực hiện hòa giải nói riêng và công tác dân vận nói chung phải nắm sát tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, cũng như những bất cập trong cơ chế, chính sách của nhà nước, pháp luật. Đây cũng là một kênh rất quan trọng để phản biện chính sách, cùng nhau hoàn thiện chính sách, pháp luật.


Tác giả: Lao U
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.676
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 134.030
Năm 2024 : 805.620
Tổng số : 82.271.713