A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Đẩy mạnh chăm sóc lúa Đông Xuân

(laichau.gov.vn)

Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 6.807 ha, đạt 100,4% kế hoạch. Cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Hiện người dân đang đẩy mạnh chăm sóc, phòng, trừ các loại sâu bệnh hại lúa.

 

Người dân thị trấn Tam Đường phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và làm cỏ cho lúa. (Ảnh: Trọng Hoản)

 

Là một địa phương có kinh nghiệm trong sản xuất vụ Đông Xuân, năm nay, huyện Tam Đường gieo cấy trên 708 ha, trong đó có 170 ha lúa hàng hóa, tập trung tại các xã Bình Lư, Thị trấn và Bản Bo. Người dân trên địa bàn huyện đã gieo cấy trong khung lịch thời vụ quy định. Về cơ bản, người dân trên địa bàn huyện có kinh nghiệm trong sản xuất nên từ khi gieo cấy đã chủ động chăm sóc lúa theo từng giai đoạn. Cơ quan chuyên môn đã chủ động theo dõi tình hình phát triển của cây lúa, khi xuất hiện sâu bệnh đã cử cán bộ xuống phối hợp với các xã tiến hành phòng, trừ hiệu quả. Hiện cây lúa trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt. Từ nay đến cuối vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục tăng cường thăm đồng, phát hiện sâu bệnh, tuyên truyền cho người dân phòng, trừ kịp thời.

Tại huyện Sìn Hồ, tranh thủ thời tiết đang thuận lợi người dân bón phân, làm cỏ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa vào đòng. Ông Nguyễn Đình Định - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết: Vụ Đông Xuân năm 2019- 2020, huyện Sìn Hồ gieo cấy 750 ha, chủ yếu là các giống lúa Thiên Ưu 8, Nếp 97, PC6; tập trung ở cánh đồng Noong Hẻo, Nậm Cuổi, Ma Quai và Chăn Nưa. Khi mới vào vụ, một số diện tích ở cánh đồng Noong Hẻo bị thiếu nước. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã có mưa, cung cấp đủ nước cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Huyện đã và đang tăng cường tuyên truyền cho người dân đẩy mạnh thăm đồng, chăm sóc tốt diện tích lúa đã gieo cấy, đặc biệt là đối với những diện tích trước đây bị sâu bệnh và thiếu nước. 

Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 6.807 ha/6.779 ha, đạt 100,4% kế hoạch (tăng 29 ha so với cùng kỳ năm trước). Cơ cấu giống tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm cơ cấu giống lúa lai (giảm 129 ha so với cùng kỳ năm trước) và tăng cơ cấu giống lúa thuần chất lượng. Các địa phương đã kết thúc gieo cấy vào cuối tháng 02/2020 và đảm bảo theo khung thời vụ theo kế hoạch.

Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố chủ động trong sản xuất, giám sát diễn biến tình hình sinh vật hại lúa ngay từ đầu vụ, triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời không để phát sinh trên diện rộng. Đối với những diện tích thiếu nước gieo cấy, từ đầu vụ các huyện đã chủ động chỉ đạo người dân chuyển sang trồng các cây khác phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, do thời tiết không thuận lợi nên nhiều diện tích lúa đã bị tập đoàn rầy, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn gây hại trên trà sớm, chính vụ nhưng đã được nông dân chủ động phòng trừ sớm và triệt để. Tại các huyện Than Uyên, Phong Thổ, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn phát sinh gây hại từ giữa tháng 3 trên trà sớm, chính vụ, trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện hướng dẫn người dân phun thuốc bảo vệ thực vật không để lây lan sang diện rộng. Ngoài sâu bệnh, đã xuất hiện chuột gây hại rải rác trên một số diện tích lúa Đông Xuân trong giai đoạn đẻ nhánh ở gần khu dân cư, bìa rừng và bãi hoang không được chăm sóc tốt. Người dân các địa phương đã chủ động phòng, trừ các đối tượng dịch hại, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa cũng như các loại cây trồng khác.

Bà Trương Thị Nhàn, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật cho biết: Căn cứ vào diễn biến thời tiết, khí hậu, tình hình dịch hại phát sinh từ đầu vụ, dự báo tháng 4, tháng 5 là cao điểm các đối tượng dịch bệnh gây hại vụ Đông Xuân. Đặc biệt, trong cuối tháng 4 đầu tháng 5 bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, tập đoàn rầy gây hại mạnh trên trà chính vụ và trà xuân muộn; nhất là trong tháng 5 khi lúa bắt đầu trỗ bông, chín, rầy nâu có thể hại mạnh nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy chòm ổ. Đối với các giống đặc sản như Tẻ Râu, Séng Cù; trên những ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, hoặc đã phòng trừ chưa dứt điểm, bệnh sẽ phát sinh gây hại mạnh. Hiện nay, cán bộ chuyên môn của Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục theo dõi, nắm tình hình và đang đẩy mạnh việc khuyến khích người dân tích cực chăm sóc, cũng như phòng, sâu bệnh.

Cùng với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của tỉnh và các cơ quan chuyên môn, sự chủ động chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh của người dân... mong rằng tỉnh Lai Châu sẽ có vụ Đông Xuân năm 2020 thắng lợi cả về năng suất và chất lượng, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.


Tác giả: Tuyết Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.623
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 133.977
Năm 2024 : 805.567
Tổng số : 82.271.660