Cổng thông tin điện tử Tỉnh Lai Châu
In trang (Ctr + P)
Thứ ba, 27/10/2015 | 09:03

Hiệu quả từ chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là Nghị định 41), những năm qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm triển khai chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận với các nguồn vốn, đến nay chính sách đã đem lại những hiệu quả thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh hiện đại.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội giao dịch với các tổ tín dụng

Để triển khai có hiệu quả Nghị định 41, từ năm 2010 đến nay với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại và Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các văn bản quy định các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng và xây dựng phương án triển khai thực hiện cụ thể tại từng đơn vị; tích cực tuyên truyền triển khai, quán triệt sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về chính sách tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mục đích và hiệu quả sử dụng vốn của khách hàng vay; cải cách hành chính đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ vay vốn cho phù hợp với đặc thù vùng nông nghiệp, nông thôn; cụ thế hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng đảm bảo dễ thực hiện, đem lại hiệu quả thiết thực từ tỉnh đến tận cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Tính đến hết tháng 7/2015, tổng nguồn vốn của các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại và Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 7.604 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động tại địa phương đạt 3.765 tỷ đồng chiếm 50% tổng số vốn. Doanh số cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ 2010 đến hết tháng 7/2015 đạt 8.856 tỷ đồng. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 4.400 tỷ đồng với 68.855 khách hàng còn dư nợ chiếm 62,38% tổng dư nợ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn bình quân trong 5 năm qua đạt 33%, cao hơn mức tăng bình quân của dư nợ chung là 25%. Chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn được đảm bảo, nợ xấu cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn duy trì ở mức dưới 3%. Tính đến hết tháng 7/2015, nợ xấu chiếm 2,18% dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

5 năm qua, các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tín dụng cho vay phù hợp với cơ cấu ngành, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đối tượng vay. Cụ thể cho vay phục vụ chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp dư nợ đạt 1.098 tỷ chiếm 24,95% dư nợ với 4.389 khách hàng; cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn dư nợ đạt 809 tỷ, chiếm 18,38% với 149 khách hàng… dư nợ cá nhân đạt 1.104 tỷ đồng chiếm 25,09%; dư nợ hộ gia đình, hộ kinh doanh đạt 1.186 tỷ, chiếm 26,96%; dư nợ đối với doanh nghiệp đạt 2.067 tỷ, chiếm 46,97% tổng dư nợ…

Đặc biệt, hướng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Ngành Ngân hàng tỉnh cũng đã triển khai kịp thời chương trình tín dụng cho vay đối với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối tháng 7/2015 dư nợ cho vay theo Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 1.739 tỷ đồng, chiếm 39,52% dư nợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngành Ngân hàng tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cho vay tín dụng thông qua các tổ chức này. Tính đến hết tháng 7/2015, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách và Xã hội tỉnh đã thành lập được 1.711 tổ vay vốn, với 50.304 thành viên, dư nợ đạt 1.462 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn những năm qua hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến hết tháng 7/2015, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã huy động, làm cầu nối để Ngân hàng cấp trên hỗ trợ, đầu tư trên 120 tỷ đồng và hàng nghìn suất quà nhằm giúp đỡ đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu đề xuất với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ủng hộ, đầu tư xây dựng khu ký túc xá Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh trị giá 30 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương Chi nhánh tỉnh tham mưu đề xuất với Ngân hàng Công thương Việt Nam ủng hộ xây dựng Trường Trung cấp y tế tỉnh trị giá 50 tỷ đồng…

Có thể nói với những chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt Nghị định 41 của Chính phủ ban hành, thời gian qua đã thể hiện được đường lối đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của người nông dân trong việc phát huy tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Những nguồn vốn tín dụng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả trong việc đẩy mạnh sản xuất, chế biến, công nghiệp, thương mại và dịch vụ phục vụ các thành phần kinh tế đối với vùng nông thôn miền núi. Các thành phần kinh tế đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân sản xuất dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng mà không bị ràng buộc về tài sản đảm bảo, thủ tục vay nhanh gọn, đảm bảo tính pháp lý, lãi suất vay ưu đãi. Nhiều hộ dân được vay vốn đã phát huy hiệu quả, tạo ra việc làm mới, ngành nghề mới, sản phẩm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ đã trở thành gương nông dân điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

  

Minh Huệ