Cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để xây dựng cơ sở dữ liệu về tình trạng sức khỏe của người dân tại khu vực mỏ đất hiếm Nậm Xe và Đông Pao
|
Mỏ đất hiếm Nậm Xe, huyện Phong Thổ và mỏ đất hiếm Đông Pao huyện Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu là 02 mỏ đất hiếm có quy mô, trữ lượng được đánh giá là lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Theo kết quả nghiên cứu dự báo hàm lượng quặng đất hiếm từ 0,3 đến 12%, trữ lượng dự báo 10.500.000 tấn. Đặc thù trong quặng đất hiếm có chứa các chất phóng xạ thori và urani. Đây là nguyên tố bức xạ, vì vậy quá trình khai thác đất hiếm sẽ phát sinh nhiều nguyên tố độc hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân nếu không được nghiên cứu kiểm soát.
Trước đây, công tác nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng bức xạ tự nhiên và xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường phóng xạ trên địa bàn thị xã Lai Châu, huyện Tam Đường và huyện Phong Thổ đã được thực hiện, nhưng mới chỉ đi sâu vào khía cạnh môi trường tự nhiên, vấn đề sức khỏe người dân vẫn chưa được xem xét nghiên cứu đầy đủ. Do vậy đề tài “Điều tra khảo sát dịch tễ học dân cư sống trong khu vực mỏ đất hiếm của huyện Phong Thổ, Tam Đường tỉnh Lai Châu” đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm đánh giá khả năng ảnh hưởng của phóng xạ đối với sức khỏe của người dân trong khu vực mỏ đất hiếm Nậm Xe và Đông Pao.
Thông qua Hội thảo, chủ nhiệm đề tài đã truyền tải kết quả nghiên cứu sau 2 năm triển khai đến các đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành và các đơn vị trong tỉnh. Đồng thời các ý kiến, góp ý, phản hồi của các đại biểu tham gia Hội thảo sẽ giúp tác giả và cộng sự nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện cho nội dung nghiên cứu.
Tại Hội thảo, theo ý kiến của Bác sỹ Dương Đình Đức, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Lai Châu: “Về phân tích tổng hợp kết quả điều tra khảo sát dịch tễ học khu vực mỏ đất hiếm Nậm Xe và Đông Pao, cần làm rõ hơn về cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu. Về đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm phóng xạ đối với sức khỏe người dân, theo ông thì vẫn thiếu căn cứ khoa học để khẳng định.
Nhiều đại biểu khác cho rằng: Để giai đoạn tới nếu tiến hành cấp phép cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tiến hành đầu tư, khai thác đất hiếm thì nhóm nghiên cứu đề tài cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để có những kết quả với độ tin cậy cao, giúp các nhà hoạch định chính sách có những lộ trình can thiệp để góp phần đảm bảo môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong khu vực.
Đinh Lan