Nhân kỷ niệm 23 năm Quốc khánh LB Nga (12/6/1990 - 12/6/2013)
![]() |
Kiên định tôn chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia trên cơ sở các nguyên tắc thực tế, công khai và đa phương-đa dạng, trong thời gian qua, Nga đã thể hiện được vai trò và vị thế của một quốc gia có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế như: phản đối sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Iran bằng con đường chính trị - ngoại giao…
Việc Nga tổ chức thành công hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hay tích cực đóng góp vào hoạt động của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) với tư cách là chủ tịch cho thấy một nước Nga đang ngày càng khẳng định được vị trí trung tâm trên trường quốc tế.
Bên cạnh việc thúc đẩy liên kết và hợp tác hiệu quả trong quan hệ quốc tế, Nga cũng kiên quyết chống lại mọi âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước cũng như mọi ý đồ sử dụng sức mạnh để giành quyền bá chủ thế giới.
Về kinh tế, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 4 yếu tố kinh tế quan trọng để nước Nga tìm cách củng cố và nâng cao vị thế của mình: thứ nhất, lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ; thứ hai, công nghiệp quốc phòng; thứ ba, giao thông (đường bộ, đường biển, đường không) và thứ tư, công nghiệp nguyên tử. Phát triển kinh tế nước Nga dựa nhiều vào nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu khí chiếm 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và chiếm 34% trữ lượng khí đốt thế giới.
Sản lượng điện chiếm 12% sản lượng điện toàn cầu. Hiện nay tổ hợp nhiên liệu-năng lượng Nga là một trong những tổ hợp quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế Nga, chiếm khoảng 1/4 GDP, 1/3 sản lượng công nghiệp và 1/2 nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Trong những năm qua, nước Nga đã đạt nhiều thành tựu không thể phủ nhận, bất chấp tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Nga vẫn duy trì được mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) liên tục với 3,5% năm 2012, lạm phát giảm xuống còn 6,1% so với 12,75% của thập kỷ 2000-2010, nợ nhà nước giảm 10 lần xuống còn hơn 10% GDP, tỷ lệ thất nghiệp còn 5,4%...
Về đầu tư nước ngoài, sau nhiều năm cải cách, nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế, tích cực tạo ra hệ thống kinh tế thị trường, môi trường kinh tế Nga đã có sự cải thiện rõ rệt, có sức hấp dẫn lớn. Những công ty khổng lồ về sản xuất ô tô nay đã có mặt tại Nga: Ford, General Motors, Toyota, Nissan, Volkswagen, BMW, Reno, KIA… Kinh tế nước Nga ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Năm 2013, theo một số nhà phân tích, có mọi lý do để khởi đầu một giai đoạn mới trong nền kinh tế Nga. Theo số liệu Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nghiệp Nga, khoảng 70% các công ty sẵn sàng thực hiện kế hoạch đầu tư của họ trong hai năm tới. Nga cũng quan tâm đến các nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, Nga đã thực hiện những động thái nhất định. Người đứng đầu Ủy ban chính sách kinh tế, phát triển đầu tư và doanh nghiệp thuộc Duma Quốc gia, ông Igor Rudensky cho biết: “Nga đã đơn giản hóa thủ tục thuế cho doanh nghiệp. Đặc biệt là tất cả những gì liên quan đến khai thuế - chúng tôi đang có những bước tiến khá lớn trong lĩnh vực này. Hiện nay đăng ký kinh doanh ở Nga trở nên đơn giản hơn”.
Các nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ tham vọng khôi phục vị thế cường quốc vũ trụ hàng đầu của Nga, qua đó, thể hiện sức mạnh vốn có của mình về khoa học công nghệ.
Liên Xô cũ từng vượt Mỹ trong thám hiểm vũ trụ khi họ phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957, phi thuyền không người lên mặt trăng vào năm 1959 và đưa nhà du hành Gagarin lên quỹ đạo vào năm 1961. Nhưng Nga đã không thực hiện các hoạt động phóng thiết bị vào không gian xa trong hơn 20 năm qua. Nỗ lực mới nhất của họ - phóng tàu Phobos-Grunt lên sao Hỏa vào năm 2011 - đã thất bại.
Để khôi phục vị thế siêu cường hàng đầu về vũ trụ, vừa qua, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Chính phủ Nga sẽ chi 1,6 nghìn tỷ rouble (52 tỷ USD) cho hoạt động khám phá vũ trụ trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2020.
Tháng 3/2013, Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) đã ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu trong việc phóng tàu lên sao Hỏa. Ngoài ra, Roscosmos còn muốn thực hiện hàng loạt chương trình khác để khôi phục vị thế cường quốc vũ trụ hàng đầu của Nga - như chương trình phóng tàu không người lái lên mặt trăng vào năm 2015.
Liên bang Nga là nước có diện tích lớn nhất thế giới (17.075.400 km2), trải dài trên hai lục địa Âu và Á. Dân số: 142 triệu người, gồm trên 100 dân tộc, trong đó dân tộc Nga chiếm 81,5%; Tarta 3,8%, Ukraine 3%. Ngoài ra còn gần 25 triệu người Nga sống ở các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ và gần 2 triệu ở các nước khác trên thế giới. Cơ cấu hành chính: Liên bang Nga chia làm 89 khu vực lãnh thổ, hành chính là chủ thể của Liên bang, gồm 21 nước cộng hoà; 49 tỉnh; 6 vùng, 1 tỉnh tự trị, 10 khu tự trị, 2 thành phố trực thuộc trung ương là Moscow và St Perterburg. |
Theo An Chương, chinhphu.vn