• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Vừa tập trung tái đàn, vừa phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tái phát

(laichau.gov.vn)

Hiện cả nước có hơn 20 tỉnh, thành xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Tại tỉnh ta, UBND thành phố Lai Châu cũng vừa công bố DTLCP tái phát tại phường Quyết Thắng. Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch, chính quyền thành phố, cơ quan chuyên môn và hộ chăn nuôi đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, đảm bảo vừa tái đàn, vừa phòng, chống bệnh dịch tái phát, không để lây lan ra diện rộng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 8/6, trên địa bàn phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) có 1 con lợn thương phẩm chết bất thường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu đã gửi mẫu đi xét nghiệm, đến ngày 10/6, Trung tâm nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với virút bệnh DTLCP. Đến ngày 17/6, bệnh DTLCP tiếp tục lây lan sang 6 hộ nuôi khác ở các bản: Màng, Séo Làn Than, Nậm Loỏng 1 khiến 38 con lợn phải tiêu hủy, tổng trọng lượng 1.345kg. Năm 2019, DTLCP xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 19/3 - 25/12 (ngày có ca nhiễm bệnh cuối cùng). Đến ngày 30/3/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 321/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh. Trong toàn đợt dịch, dịch bệnh xảy ra tại 5.633 hộ/585 bản/93 xã của 8 huyện, thành phố; trong đó 20 xã tái phát dịch. Số lợn buộc phải tiêu hủy 21.270 con (trọng lượng 875.198kg). So với tổng đàn lợn tại thời điểm dịch bệnh xảy ra (tháng 3/2019 là 253.900 con), số lợn buộc phải tiêu hủy chiếm gần 8,4%/tổng đàn; tỷ lệ hộ có lợn bị tiêu hủy chiếm khoảng 11% (5.643/51.950 hộ). Tổng thiệt hại ước tính khoảng 100.000 triệu đồng. Trong đó: kinh phí chi từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống DTLCP năm 2019 là 49.132 triệu đồng (hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bắt buộc phải tiêu hủy 29.959 triệu đồng; kinh phí phòng, chống dịch bệnh 19.173 triệu đồng); kinh phí thiệt hại do lợn của người dân bị tiêu hủy ước trên 50.000 triệu đồng.

Trang trại Anh Tú luôn chú trọng công tác tiêu độc khử trùng hàng ngày và các phương tiện ra - vào trang trại.
Trang trại Anh Tú luôn chú trọng công tác tiêu độc khử trùng hàng ngày và các phương tiện ra - vào trang trại.

Công tác tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu diễn ra tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động được nguồn con giống và có đủ nguồn lực kinh tế cho việc đầu tư tái sản xuất (với số lượng tái đàn đạt hơn 10.000 con), trong khi tổng đàn lợn của các cơ sở này chỉ chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn của tỉnh. Đối với các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, việc tái đàn diễn ra chậm, số lượng ít, chỉ đạt khoảng 3.500 - 4.000 con do nguồn con giống khan hiếm, giá lợn giống tăng cao, nguồn vốn để tái sản xuất của người dân hạn chế, nhất là đối với những hộ bị thiệt hại do dịch bệnh.

Do vậy, để phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh thì việc xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung huy động nguồn lực để tổ chức, triển khai công tác tái đàn, tăng đàn lợn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi là việc làm cần thiết mà ngành Nông nghiệp đã và đang chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng chí Phạm Anh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố đã tái phát DTLCP, trong đó tỉnh ta đã xuất hiện tại thành phố Lai Châu. Để chủ động trong công tác phòng bệnh xâm nhập, tái phát và lây lan, ngành Thú y tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tập trung cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP như: huy động nguồn lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Các cấp địa phương từ huyện đến thôn, bản, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể và theo phương châm "phòng là chính, cơ sở và người dân là chính".

Ngoài ra, ngành Thú y cũng nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống hiệu quả và không để xảy ra ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho cộng đồng. Tăng cường khử trùng tiêu độc trong khu dân cư, trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi. Nâng cao năng lực hệ thống thú y và năng lực chẩn đoán, xác định dịch bệnh trên đàn lợn nhằm hạn chế việc tiêu hủy lợn mắc các bệnh khác sang bệnh DTLCP. Tổ chức kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ lợn theo quy định. Hướng dẫn các cơ sở, trang trại chăn nuôi và người dân bảo đảm đủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh mới được tái đàn.

Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời phát hiện và đưa ra các giải pháp xử lý dịch bệnh ngay khi còn trong diện hẹp. Song song với đó, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất. Vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; không giấu dịch hoặc gian lận trong khai báo, tiêu hủy lợn nhằm trục lợi.

Cùng với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã nhận thức được vai trò quan trọng của phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và có những biện pháp phòng, trừ hiệu quả để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Điển hình như Trang trại chăn nuôi lợn Anh Tú (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) duy trì nuôi lợn mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 6 chuồng với tổng số 3.300 con lợn. Mặc dù năm 2019 nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh điêu đứng vì DTLCP nhưng trang trại của anh, lợn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, mang về nguồn thu lớn.

Anh Trần Quốc Tuấn - Chủ trang trại Anh Tú chia sẻ: Tôi luôn xác định không được chủ quan trước DTLCP bởi nếu bị nhiễm dịch sẽ gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn cho trang trại. Để nuôi lợn với số lượng lớn đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, tôi đặc biệt chú trọng đến biện pháp an toàn sinh học. Trước nguy cơ DTLCP có khả năng tái phát cao, tôi đặc biệt quan tâm tới phòng bệnh và chăm sóc nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào trang trại. Thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, chú ý từ khâu thức ăn, con giống và chế độ chăm sóc hàng ngày.

Bệnh DTLCP rất dễ lây nhiễm thông qua việc vận chuyển lợn và lưu hành các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh. Do vậy, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi lợn không được chủ quan. Quan trọng nhất là cần tăng cường theo dõi đàn lợn; chủ động phòng ngừa từ xa, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn lợn để tăng sức đề kháng; mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch; thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, các sản phẩm từ lợn phải được kiểm soát nghiêm ngặt, ngăn chặn ngay từ bên ngoài.

Đồng chí Phạm Anh Hùng - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm, nguy cơ bệnh DTLCP lây lan trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện tái đàn lợn, tổng đàn lợn ngày càng gia tăng, và việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học ở các hộ chăn nuôi còn hạn chế như hiện nay. Bên cạnh đó, Bệnh DTLCP có tỷ lệ lây nhiễm cao và chết lên đến 100%, hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, trong khi virus gây bệnh có sức đề kháng cao và tồn tại lâu trong môi trường. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc phát hiện, khai báo; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc chủ động phòng, chống bệnh tái phát và lây lan, có như vậy mới tránh những thiệt hại đáng tiếc do DTLCP gây ra.

Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh đạt khoảng 176.410 con, trong đó: lợn nái 26.420 con, nái hậu bị 2.235 con, đực 4.085 con, lợn con theo mẹ 52.240 con, lợn thịt 91.430 con. So với cùng kỳ năm trước đã giảm 22,3%; so với thời điểm trước khi xảy ra DTLCP (tháng 3/2019), tổng đàn lợn đã giảm khoảng 30,5%. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng giảm trên 12.000 hộ so với trước khi có bệnh DTLCP, còn khoảng 40.460 hộ.

Cập nhật ngày 19/6/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.469
Hôm qua : 12.022
Tháng 04 : 185.357
Năm 2024 : 856.947
Tổng số : 82.323.040