• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sìn Hồ chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

(laichau.gov.vn)

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh năm 2020 diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới là trọng điểm của mùa mưa, đồng thời với đặc thù là huyện vùng cao, Sìn Hồ có địa hình núi cao, có nhiều khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề do thời tiết tác động và diễn biến phức tạp như: Gió lốc kèm theo mưa đá, gió lốc xoáy cục bộ, mưa to kéo dài gây ra hiện tượng sạt lở đất, đá, lũ quét. Vì vậy, nhằm giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra làm ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của Nhân dân.

Các lực lượng tham gia diễn tập PCTT-TKCN ở xã Pa Khóa. (Ảnh tư liệu)

 

Nhớ lại năm 2018-2019, trên địa bàn huyện Sìn Hồ tình hình thời tiết phức tạp, mưa to kéo dài kèm theo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, mưa đá làm nhiều nhà bị tốc mái, vùi lấp; nhiều hoa màu bị trôi, lấp; người chết, mất tích; một số công trình thủy lợi, trường học bị nước lũ cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, nhiều bản chỉ sau một đêm đã bị vùi lấp... Ước tổng thiệt hại gần 120 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Quốc Vương – Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện cho biết: Để chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ngay từ đầu năm huyện đã xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện túc trực 24/24 để thông báo, cảnh báo và kịp thời ứng phó khi có thiên tai xảy ra; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã, thị trấn. Nhất là chú trọng vào các bản, xã hai bên dọc sông Nậm Na, sông Đà – nơi hay xảy ra thiên tai, bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy; chủ động và thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết, thiên tai và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện để chủ động ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cầu tại chỗ); phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện xuống từng xã, bản nơi có nguy cơ sạt lở để khảo sát, hỗ trợ cho Nhân dân di chuyển. Đồng thời, huyện xây dựng kế hoạch và chọn xã Ma Quai trong tháng 4 (trước mùa mưa lũ) sẽ tiến hành tổ chức diễn tập PCTT-TKCN. Thông qua diễn tập với các tình huống giả định, các phương án xử lý, sẽ làm cơ sở rút kinh nghiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo và nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và nhận thức Nhân dân về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Cùng với đó, Huyện còn chỉ đạo các xã chủ động triển khai các biện pháp nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra tùy với từng địa bàn; tăng cường thông tin, cảnh báo kịp thời đến Nhân dân, tập trung nhất ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị xảy ra mưa đá, gió lốc, sạt lở đất, đá, lũ quét để chủ động các biện pháp phòng, chống. Đồng thời chủ động rà soát, sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án triển khai sơ tán đến nơi an toàn; rà soát, kiểm tra các công trình kè, đập, cầu cống, công trình đang thi công,... có giải pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; giám sát chặt chẽ việc tích nước của hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và các vùng hạ du; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, vật liệu, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ người, tài sản, sản xuất và công trình, khắc phục kịp thời hậu quả trong và sau thiên tai, đảm bảo sớm ổn định đời sống và tái sản xuất của Nhân dân. 

Không chỉ vậy, các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện như: Trạm Khí tượng, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài truyền thanh - Truyền hình huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các thông tin dự báo, cảnh báo tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, các chủ trương, chỉ thị, chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Đối với chủ đầu tư các công trình xây dựng trên địa bàn huyện phải chủ động phương tiện máy móc, tổ chức thanh thải dòng chảy, kiểm soát chặt chẽ việc thi công các công trình đảm bảo tiêu, thoát lũ nhanh nhất, có biện pháp cụ thể, hiệu quả đảm bảo an toàn cho công nhân lao động và người dân.

Đến thời điểm này, tất cả các lực lượng như: Quân đội, Công an, Y tế, các phòng, ban, đoàn thể huyện cũng đã chuẩn bị về nhân lực, phương tiện tham gia PCTT-TKCN như: Cuốc xẻng, áo mưa, áo phao, các phương tiện vận chuyển, máy móc và túc trực 24/24h. Đặc biệt, qua quá trình khảo sát, 34 hộ của bản Nậm Tần Xá (xã Pa Tần) và 69 hộ của bản Nậm Kinh (xã Căn Co) đang ở vùng nguy cơ sạt lở, huyện đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách của huyện để di chuyển. Hiện các hộ đã được di rời đến nơi ở mới, được hỗ trợ dựng nhà đạt khoảng 80% và sẽ hoàn thành trong tháng 4.

Hy vọng, với những nỗ lực và quyết tâm cao trong công tác PCTT-TKCN, huyện Sìn Hồ sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão sắp tới, góp phần ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.


Tác giả: Hoàng Đông
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.365
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 228.269
Năm 2024 : 659.104
Tổng số : 82.125.197