• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố Lai Châu tăng cường chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại

(laichau.gov.vn)

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, công tác đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn thành phố Lai Châu đạt nhiều kết quả quan trọng.

Phong trào văn nghệ quần chúng được quan tâm, ngày càng phát triển sâu rộng.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, UBND thành phố Lai Châu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức phù hợp như: Lồng ghép trong các hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ II, nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong các buổi sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đoàn thể, họp tổ dân phố, bản, tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, qua hệ thống loa truyền thanh, thông tin lưu động, băng zôn, khẩu hiệu... 

Kết quả, từ năm 2010 đến nay, 100% các chi bộ, đảng bộ cơ sở, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố đã tổ chức gần 100 hội nghị với 11.513 lượt người được học tập, quán triệt, tuyên truyền; 1.686 buổi tuyên truyền. Qua đó, đại đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn có nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu, nội dung và tầm quan trọng của Chỉ thị 46-CT/TW; tích cực học tập, lao động sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chị Phạm Thị Hải – Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thành phố cho biết: Thời gian qua, Phòng Văn hóa - Thông tin đã phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể, chính quyền các cấp của thành phố thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và nâng cao đời sống tinh thần cho mọi tầng lớp Nhân dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa phẩm, phòng chống các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập trên địa bàn, tạo môi trường văn hóa ngày càng phong phú, lành mạnh.

Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với cơ sở kinh doanh. Trong 10 năm, thành phố đã tiến hành kiểm tra 169 lượt đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ liên quan đến văn hóa: Nhà hàng, khách sạn, điểm Massage, các cửa hàng băng đĩa, cửa hàng bán sách, phát hành xuất bản phẩm, điểm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử nối mạng Internet... Kết quả đã phát hiện các sai phạm trong hoạt động văn hóa thông tin, lập biên bản và xử phạt hành chính số tiền 60 triệu đồng. Qua đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lưu hành, phát tán văn hóa độc hại; góp phần giữ gìn trật tự kỷ cương trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, tạo môi trường văn hóa ngày càng phong phú, lành mạnh.

Với phương châm “lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, phòng ngừa, ngăn chặn là chính”, ngành Giáo dục thành phố phối hợp chặt chẽ với các Đoàn trường Trung học phổ thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nếp sống; giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, kỹ năng tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa cho thanh thiếu nhi gắn với Phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngoài ra, phối hợp với Thành Đoàn tổ chức “Đêm hội Trăng rằm”, Hội thi “Nét đẹp Đội viên”, “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”; Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe” với bậc Tiểu học, “Tiến bước lên Đoàn” với bậc Trung học cơ sở tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh thiếu nhi.

Để tạo môi trường sống lành mạnh, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại. Các đơn vị trường học trên địa bàn căn cứ hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, tình hình thực tiễn đưa tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12; lồng ghép, tích hợp các nội dung học tập và làm theo Bác trong các bộ môn ngữ văn, lịch sử, giáo dục công dân... Tổ chức lồng ghép các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa cho thanh thiếu nhi, đảm bảo đa dạng về nội dung và hình thức, phù hợp với lứa tuổi, môn học.

Nhằm lan tỏa Chỉ thị 46-CT/TW, thành phố xác định đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn tiêu chí chống sản phẩm văn hóa độc hại vào tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa làm căn cứ bình xét các danh hiệu văn hóa. Đề cao lối sống nghĩa tình, lành mạnh, ứng xử văn minh, đoàn kết cộng đồng, bảo vệ các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Tổ chức cho Nhân dân đăng ký các danh hiệu văn hóa và tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, đã có trên 37.000 lượt đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng. Thành phố đã yêu cầu cấp ủy cơ sở chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đưa nội dung thực hiện theo Chỉ thị 46-CT/TW vào báo cáo tổng kết hàng năm để đánh giá rút kinh nghiệm, coi đây là một trong các tiêu chí xét thi đua của cơ quan, đơn vị.

Đến nay, Nhân dân 70/70 bản, tổ dân phố thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các lễ hội truyền thống tổ chức đảm bảo an toàn, tiết kiệm và có ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Năm 2019, toàn thành phố có 96,6% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa (tăng 9,1% so với năm 2010); 1.350 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu được UBND thành phố tặng Giấy khen; 171/177 cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận cơ quan, đơn vị, trường học văn hoá. Hiện tại, thành phố có 2/5 phường đạt chuẩn văn minh đô thị (Tân Phong, Đoàn Kết)...

Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư hiệu quả hơn nữa, thời gian tới thành phố Lai Châu đã xác định một số giải pháp trọng tâm: Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, quần chúng Nhân dân về Chỉ thị 46-CT/TW và các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đa dạng hoá các ngành nghề và sản xuất các sản phẩm văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Quan tâm xây dựng đời sống văn hoá ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn...

Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố Lai Châu đã nhận thức rõ tầm quan trọng về xây dựng môi trường văn hóa trong thời kỳ mới; tích cực đấu tranh, phòng chống, đẩy lùi các sản phẩm độc hại, ảnh hưởng xấu tới nhân cách và phát triển xã hội.


Tác giả: Lê Dương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.038
Hôm qua : 8.457
Tháng 04 : 161.766
Năm 2024 : 833.356
Tổng số : 82.299.449