Điểm tin quốc tế nóng hổi ngày qua
![]() |
Quốc hội Triều Tiên nhóm họp lần thứ hai trong năm
CHDCND Triều Tiên đã triệu tập một kỳ họp Quốc hội lần thứ hai sau năm tháng kể từ lần nhóm họp đầu tiên dưới thời tân lãnh đạo Kim Jong-un. Các đại biểu của Hội nghị Nhân dân Tối cao CHDCND Triều Tiên, tức Quốc hội, thường họp một năm một lần nhằm thông qua ngân sách và phê chuẩn những vụ bổ nhiệm và sửa đổi pháp luật. Song, các kỳ họp cũng thường là dịp để giới lãnh đạo đưa ra các thông báo chính thức. Hãng tin KCNA thông báo vào ngày 5.9: “Hôm thứ hai (tức 3.9), Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao (SPA) đã công bố quyết định triệu tập kỳ họp của Hội nghị Nhân dân Tối cao. Theo quyết định, phiên họp thứ sáu của SPA khóa 12 sẽ được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào ngày 25.9”. Thông báo không nói rõ chương trình nghị sự của kỳ họp là gì. Kỳ họp gần nhất của Quốc hội CHDCND Triều Tiên diễn ra vào tháng 4, khai mạc ngay ngày Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng tên lửa thất bại. Theo Reuters, dưới thời của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un, CHDCND Triều Tiên đã phát đi những tín hiệu về kế hoạch thay đổi đường lối điều hành kinh tế và nông nghiệp. Theo thanhnien.com.vn.
Phát hiện virus mới giống SARS
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đã phát hiện một loại virus mới cùng họ với virus SARS ở một người đàn ông từng sống tại Arập Xêút và hiện đang có mặt ở Anh. Hãng thông tấn Reuters trích dẫn tuyên bố của WHO thông qua hệ thống “cảnh báo và phản ứng toàn cầu” của tổ chức cho biết, các xét nghiệm đối với bệnh nhân nam 49 tuổi, quốc tịch Qatar đã xác thực sự tồn tại của một loại coronavirus (virus hình vương miện) mới. Coronavirus là một họ virus lớn, bao gồm cả các loại virus gây cảm cúm thông thường và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). SARS đã xuất hiện ở Trung Quốc năm 2002 và từng cướp đi sinh mạng của khoảng 800 người trên khắp thế giới trước khi các chính phủ và tổ chức y tế kiểm soát được nó. Đối với loại coronavirus mới phát hiện ở Anh, WHO hiện đang trong quá trình thu thập thêm thông tin để quyết định các chỉ dẫn y tế chính thức cho công chúng. Peter Openshaw, giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng hô hấp thuộc trường Imperial College London cho biết thêm rằng, ở giai đoạn này, loại virus mới dường như chưa thể trở thành mối quan ngại và có thể được phát hiện dễ dàng nhờ các kỹ thuật xét nghiệm tân tiến. Theo vietnamnet.vn.
Nhật Bản cử Thứ trưởng Ngoại giao đến Trung Quốc
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cử Thứ trưởng Ngoại giao Chikao Kawai đến Trung Quốc trong hai ngày nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, trên Biển Hoa Đông. Thứ trưởng Kawai đến Bắc Kinh vào chiều 24/9 và dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Trương Chí Quân (Zhang Zhijun) trong ngày 25/9. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh không có dấu hiệu sẽ sớm có sự giảm bớt căng thẳng xung quanh quần đảo Senkaku khi Tokyo cáo buộc ba 3 tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản sáng 24/9. Thứ trưởng Kawai đã gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa (Cheng Yonghua) để phản đối việc các tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku. Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết Nhật Bản “phản đối mạnh mẽ” các vụ xâm phạm lãnh hải và yêu cầu các tàu Trung Quốc “rời khỏi lãnh hải Nhật Bản ngay lập tức”. Ông Fujimura cũng bày tỏ sự thất vọng về việc Trung Quốc thông báo hoãn tổ chức các sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Ông nhấn mạnh: "Không nên để việc hoãn những sự kiện này ảnh hưởng tới quan hệ toàn diện Nhật-Trung, và điều quan trọng là hai nước cần tăng cường các quan hệ chiến lược cùng có lợi". Theo TTXVN.
"Iran sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận về hạt nhân"
Theo AFP, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định ông sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận nhằm hạn chế kho chứa urani đã được làm giàu của nước này, song bày tỏ nghi ngờ thiện chí đàm phán của phương Tây. Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Washington công bố ngày 24/9, ông Ahmadinejad nhấn mạnh: "Chúng tôi đã và đang sẵn sàng đưa ra thỏa thuận mà sẽ giải tỏa những quan ngại của phương Tây. Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều đề xuất đúng đắn. Về cơ bản, chúng tôi không ngần ngại thúc đẩy đối thoại, chúng tôi luôn muốn đối thoại và có lập luận rất rõ ràng: Chúng tôi thực sự tin tưởng rằng nếu mọi người tuân thủ luật pháp và tôn trọng tất cả các bên thì sẽ không xảy ra vấn đề gì." Tuy nhiên, ông Ahmadinejad không cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là mối quan ngại thực sự của phương Tây, cho rằng đó có thể chỉ là cái cớ để phá hoại Chính phủ Hồi giáo của nước này. Với 90 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 22/9 đã thông qua nghị quyết khẳng định nước này sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hối thúc Washington giải thích rõ rằng điều gì sẽ dẫn đến một cuộc tấn công quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Theo TTXVN.
IMF sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới
IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng 10 tới sau khi cơ quan này cập nhật các đánh giá và dự báo về tình hình kinh tế thế giới. Trong một phát biểu ngày hôm qua (24/9) trước thềm Hội nghị hàng năm của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới, sẽ diễn ra từ ngày 12-14/10 ở Tokyo, Nhật Bản, Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cho biết: “Chúng ta vẫn dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi dần dần, nhưng so với dự báo của chúng ta cách đây 12 tháng cũng như việc đánh giá lại tình hình cách đây 6 tháng, sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu có đôi chút yếu hơn. Chúng ta dự báo kinh tế toàn cầu đi xuống sau khi xem xét lại các số liệu của 12 tháng qua”. Bà Lagarde cho biết, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, những tranh cãi về cắt giảm thuế tại Mỹ và việc chính phủ nước này tự động cắt giảm chi tiêu vào năm tới cũng tác động tới kinh tế toàn cầu. Theo bà Lagarde, hiện nay đã có các bằng chứng cho thấy sự sụt giảm của các nền kinh tế mới nổi và những “lo ngại lớn” đối với các nước nghèo về vấn đề giá lương thực tăng cao. Trong bài phát biểu, tổng giám đốc IMF cho biết, các thị trường tài chính đã có những phản ứng tích cực đối với các quyết định mới đây của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc ứng phó với khủng hoảng nợ công.Vấn đề hiện nay là các biện pháp đó sẽ được phối hợp thực hiện như thế nào. Bà Lagarde kêu gọi châu Âu có các bước đi hướng đến một liên minh ngân hàng. Dự kiến, IMF sẽ ra báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu vào ngày 9/10 tới. Trong báo cáo công bố hồi tháng 7, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2012 và 2013 lần lượt xuống 3,5% và 3,9%. Theo vov.vn.
Đinh Lan tổng hợp