• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND về xóa đói giảm nghèo

(laichau.gov.vn)
Thực hiện Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND ngày 28 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa bằng những văn bản cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện, nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh giai đoạn từ 2016 đến nay giảm trung bình 4,95%/năm (riêng các huyện nghèo giảm khoảng 5,7%/năm).

Người dân bản địa huyện Nậm Nhùn được hỗ trợ vay vốn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện để làm kinh tế.

Trước đó, làm rõ một số nội dung tại buổi thông qua kết luận giám sát của HĐND tỉnh Lai Châu về thực hiện Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND, đồng chí Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch, hướng dẫn cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND như Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2016 về việc phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2017 Quy định về thực hiện nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, công tác quản lý giảm nghèo ở cấp xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020... Cùng với đó, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh và tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết.

Công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhất là các tầng lớp Nhân dân được quan tâm chỉ đạo và thực hiện dưới nhiều hình thức, qua đó nâng cao nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của công tác giảm nghèo, từ đó người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Để giúp đồng bào nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tỉnh Lai Châu đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thúc đẩy ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp để đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh công tác phát triển lâm nghiệp để người dân có thể sống bằng nghề rừng và các sản phẩm khai thác từ rừng thông qua công tác khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Cụ thể giai đoạn 2016-2018 đã hỗ trợ giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng được 300.092 ha với tổng kinh phí thực hiện là 83.490 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ 32,3 ha với kinh phí thực hiện là 485 triệu đồng để khai hoang, cải tạo ruộng bậc thang; hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật với tổng kinh phí là 86.394 triệu đồng; triển khai thực hiện 04 mô hình xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với tổng kinh phí thực hiện là 1.064 triệu đồng.

Cũng trong giai đoạn 2016-2018, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã phân bổ 10.316 triệu đồng triển khai thực hiện nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố. Tại thời điểm này đã thực hiện 4 mô hình, các mô hình còn lại đang triển khai thực hiện. Ước đến hết năm 2018, thực hiện hoàn thành 22 mô hình, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn (từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã đầu tư 307 công trình tại địa bàn các huyện, các xã, thôn bản).

Nhờ thực hiện nhiều chương trình theo Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,59%; năm 2017 giảm 4,98%; ước thực hiện năm 2018 giảm 4,28%. Như vậy, ước trung bình giai đoạn 2016-2018 giảm 4,95% (riêng các huyện nghèo giảm khoảng 5,7%/năm) - vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cũng trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 02 huyện Than Uyên, Tân Uyên ra khỏi huyện nghèo; có 13/75 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, chiếm 17,3%. Như vậy, chỉ tiêu này đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh được ưu tiên đầu tư xây dựng, đến nay, toàn tỉnh có 96/96 xã đã có đường ô tô đến trung tâm (đạt 100%); số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được các mùa là 95/96 xã (đạt 98,96%); 1.030/1.169 thôn, bản có đường xe máy đi được thuận lợi (đạt 88,11%); 92% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống các công trình thủy lợi đáp ứng 82,9% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây hàng năm.

Về đào tạo nghề giải quyết việc làm, dự kiến đến hết năm 2018, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 72,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,3%; ước số lao động được tạo việc làm mới bình quân giai đoạn (2016-2018) là 6.924 người. Đến hết năm 2018, sẽ có 71,3% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 9,2 bác sỹ/1vạn dân; tỷ lệ tăng dân số trung bình năm là 1,81%; mức giảm tỷ suất sinh hàng năm đạt> 0,5‰; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 21,3%; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ (biên chế tại trạm) đạt 15,74%; thôn, bản có nhân viên y tế đạt 96,7%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,88%. Dự kiến đến hết năm 2018, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 108/108 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học: Mầm non 41,79%, tiểu học 43,94%, trung học cơ sở 27,35%, trung học phổ thông 16%.

Đồng chí Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND, đã có 02/05 chỉ tiêu đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, 02 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành vào năm 2020, 1 chỉ tiêu khó đạt là hỗ trợ làm nhà ở. Có được kết quả đó là do công tác chỉ đạo, điều hành đã có nhiều đổi mới về nội dung; nhận thức trách nhiệm về công tác giảm nghèo của các cấp, các ngành và người dân được nâng lên, đã huy động được cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của người dân, nhất là người nghèo, nhiều hộ nghèo đã chủ động đăng ký thoát nghèo.

Ngoài ra, tỉnh Lai Châu đã từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn, điều đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, giải quyết cơ bản nhu cầu của người dân về giao thông, nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường, lớp học... tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn./.

Minh Hiếu


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.964
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 228.868
Năm 2024 : 659.703
Tổng số : 82.125.796