A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Kết quả sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 02 về giảm nghèo bền vững

(laichau.gov.vn)
Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28 tháng 6 năm 2016 về giảm nghèo bền vững trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, huy động được cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở. Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra và đạt được những kết quả tích cực.

Người dân đến nhận hỗ trợ giống và phân bón.

Phấn khởi nhìn vào kết quả

Sau 3 năm triển khai thực hiện có 02/05 mục tiêu đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đó là chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và phấn đấu đưa các xã, thôn bản ra hỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đưa các huyện ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước. Đến nay, ước trung bình giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,95% (chỉ tiêu là giảm bình quân 3-4%/năm - vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Đã có 02 huyện Than Uyên, Tân Uyên được công nhận ra khỏi huyện nghèo; 13/75 xã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, chiếm 17,3% ( chỉ tiêu là phấn đấu có từ 01 đến 02 huyện nghèo ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước; 15% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn - vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Các chỉ tiêu còn lại về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh; tỷ lệ lao động và tạo việc làm; tiếp cận các dịch vụ xã hội theo tiêu chí nghèo đa chiều đều dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Trước tiên, tỉnh Lai Châu triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập của hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Trong 3 năm đã hỗ trợ cho gần 53.000 lượt hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ cho trên 72.000 lượt hộ nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng diện tích giao khoán trên 160.000 ha rừng,…

Tập trung chuyển hướng mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Dự kiến giai đoạn 2016-2018 đào tạo nghề cho 17.365 lao động, tổng số tiền đào tạo nghề là 46.005 triệu đồng. Đã giải quyết việc làm cho gần 21.000 lao động, bình quân giải quyết việc làm cho 6.900 lao động/năm, xuất khẩu lao động 311 người.

Trong giai đoạn 2016-2018, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn (trong đó từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã đầu tư 307 công trình tại địa bàn các huyện, các xã, thôn bản). Đến năm 2017, có 82,78% đường huyện, 23,23% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 42,53% đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản được cứng hoá. Toàn tỉnh có 947 công trình thủy lợi. Đã có 108/108 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được sử dụng điện lưới Quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới đạt 92%...

Cùng với đó, Lai Châu cũng tập trung giải quyết cơ bản các thiếu hụt về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo đề án nghèo đa chiều của Thủ tướng chính phủ. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh khá giỏi năm học sau đều tăng so với năm học trước. Công tác duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục được quan tâm, năm 2016 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tiếp tục xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ước đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 152 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 36,3% (kế hoạch đến 2018 đạt 32,02%, đến 2020 đạt 38,4%), tăng 60 trường so với năm 2015. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân cơ bản đáp ứng được nhu cầu, bình quân mỗi năm tổ chức khám chữa bệnh cho trên 378 nghìn lượt người. Thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm y tế, nhất là đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến hết năm 2018 ước đạt 93,88%.

Trong 3 năm (2016-2018), đã làm nhà cho 973 hộ nghèo (trong đó, xây mới 786 hộ, sửa chữa 187 hộ). Đến hết năm 2017, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 78,5%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 87%. Tiếp tục đầu tư, trang bị các phương tiện tuyên truyền, cổ động; đầu tư, nâng cấp các đài phát thanh - truyền hình cấp huyện, các trạm phát lại phát thanh - truyền hình và đài truyền thanh cơ sở. Đến hết năm 2017, có 374.940 thuê bao điện thoại, 20.858 thuê bao internet, số xã internet đạt 102 xã, phường, thị trấn; tổng số giờ phát thanh là 98.106 giờ, tổng số giờ phát sóng FM là 86.907 giờ, tổng số giờ phát sóng truyền hình là 246.034 giờ...

Còn nhiều thách thức

Mặc dù kết quả đạt được là đáng ghi nhận, xong hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo kế hoạch đề ra, nhưng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, các hộ đã thoát nghèo đời sống còn rất khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao. Một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Nguồn lực cho công tác giảm nghèo còn hạn chế, nhất là nguồn lực tại chỗ của cộng đồng, dòng họ. Cán bộ làm công tác giảm nghèo trình độ chuyên môn còn hạn chế nên việc tham mưu cho chính quyền cơ sở chưa tốt, việc điều tra khảo sát các nhu cầu hỗ trợ cho người nghèo chưa sát thực tế, dẫn đến kết quả thực hiện một số Chương trình còn thấp...

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn tới đặt ra cho Lai Châu nhiều nhiệm vụ và phải xác định các giải pháp trọng tâm. Trong đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng công tác giảm nghèo nhanh và bền vững đối với bà con Nhân dân ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là vô cùng quan trọng; cùng với đó là phản ánh kịp thời những mô hình hay, cách làm hiệu quả, những điển hình trong phong trào xoá đói, giảm nghèo để người dân học tập và làm theo.

Ngoài thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ cho hộ nghèo như: Hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ khuyến nông – khuyến lâm, hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn... thì phải đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách về giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập để người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Đi đôi với việc hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao phải tiếp tục có phương án tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Cùng với đó là thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, trưởng các thôn/bản, cán bộ làm công tác giảm nghèo…

Có thể thấy những thách thức đặt ra là không nhỏ và để thực hiện có hiệu quả các giải pháp trọng tâm được đề ra tiếp tục đòi hỏi sự tham gia tâm huyết của cả hệ thống chính trị, cũng như những cố gắng, nỗ lực hết mình của cá nhân những hộ nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đăng Khoa


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.492
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 137.605
Năm 2024 : 809.195
Tổng số : 82.275.288