• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò của chính quyền xã trong việc đưa chính sách tín dụng đến với người dân

(laichau.gov.vn)
Những năm qua, chính quyền địa phương các xã, thị trấn của huyện Sìn Hồ đã thể hiện rõ vai trò trong điều hành nguồn vốn vay thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. 

Người dân huyện Sìn Hồ phát triển đàn gia súc từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. (ảnh baolaichau.vn)

Huyện Sìn Hồ có 21 xã, 01 thị trấn, 233 bản và khu phố, trong đó 21 xã thuộc vùng khó khăn, 1 xã biên giới; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,97%; hộ cận nghèo chiếm 10,9%. Trình độ sản xuất, đời sống của Nhân dân, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; việc làm và thu nhập của người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các xã ở vùng sâu, vùng xa.

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó tập trung chủ yếu là hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình cho vay này đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Anh Lý A Phùa, bản Ka Sin Chải, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ là một trong những điển hình của toàn huyện trong việc vay vốn phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo. Anh Phùa tâm sự: Trước đây gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong bản cuộc sống gặp nhiều khó khăn, sản xuất không đủ ăn, còn thiếu đói giáp hạt. Khi có chính sách vay vốn ưu đãi, năm 2014 tôi đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội để mua trâu sinh sản. Nhờ vào nguồn vốn ưu đãi hiện gia đình tôi đã có 2 con trâu, đàn dê 8 con và trên 50 con gia cầm... Đến nay, cuộc sống của gia đình đã được cải thiện hơn, có điều kiện cho con cái ăn học đầy đủ… giờ đây cuộc sống của gia đình và người dân trong bản đã có nhiều thay đổi, có cuộc sống khá hơn, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm dần…

Dư nợ đến thời điểm tháng 3/2018 của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 300 tỷ đồng, với 8.733 khách hàng dư nợ; tăng trưởng dư nợ tính từ năm 2015 đến hết tháng 3/2018 đạt 140 tỷ đồng.

Để có được kết quả đó là có sự chủ động nghiêm túc, quyết liệt kịp thời của lãnh đạo các xã, thị trấn trong việc đưa chính sách tín dụng đến với đồng bào dân tộc. Hàng năm, Chủ tịch UBND xã, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với vai trò của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã từng bước nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc chủ động trong công tác điều tra xác định đối tượng được vay vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của Nhân dân; chủ động nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội để tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện một cách nhanh nhất; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, chủ động chỉ đạo lồng ghép đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn một cách hiệu quả.

Qua những việc làm cụ thể trên cho thấy vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã trong điều hành nguồn vốn cho vay, triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội đặc biệt quan trọng, sự sát sao, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội đến với đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời về vốn cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai còn gặp những khó khăn như: Trình độ dân trí một số vùng trên địa bàn huyện còn thấp, tập quán sản xuất còn lạc hậu; tỷ lệ giảm nghèo tuy giảm nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; đa số những hộ nghèo sản xuất nông nghiệp chịu tác động, ảnh hưởng của thời tiết, mưa lũ tiềm ẩn nhiều rủi ro... Một bộ phận hộ nghèo chưa thực sự có ý thức vươn lên trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, còn chậm trả nợ hoặc chây ỳ trong việc trả nợ…

Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để khắc phục những khó khăn, từng bước nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong thời gian tới, UBND huyện xác định sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách cua Trung ương về tín dụng chính sách; tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm và vai trò của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, an ninh xã hội và giảm nghèo bền vững; làm tốt công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc bình xét đối tượng vay vốn; kiểm tra giám sát đôn đốc thu hồi nợ, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả; tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng… thực hiện rà soát đối tượng, bình xét, xác nhận cho vay đúng đối tượng thụ hưởng của các chương trình tín dụng chính sách; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn...

Như Quỳnh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 531
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 224.435
Năm 2024 : 655.270
Tổng số : 82.121.363