• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tam Đường: Thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp

(laichau.gov.vn)
Kinh tế ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực; các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại từng vùng, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm... Đó là những kết quả nổi bật huyện Tam Đường đã đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp.

Người dân xã Bản Giang, huyện Tam Đường chăm sóc ngô và đậu tương.

Thực hiện quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, hàng năm UBND huyện Tam Đường chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền cơ sở rà soát, đánh giá, xác định phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung và giao chỉ tiêu phát triển nông nghiệp tới các xã, thị trấn; các xã, thị trấn giao chỉ tiêu kế hoạch đến tận bản để tổ chức triển khai thực hiện. Huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt, học tập đầy đủ nội dung các văn bản hướng dẫn của Trung ương, tỉnh về tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong toàn huyện. Trong 5 năm, huyện đã lồng ghép tổ chức 237 hội nghị tuyên truyền, quán triệt, với tổng số 20.465 lượt người tham gia. Qua đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cơ bản nắm được mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo của người dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Đường cho biết: Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp của huyện có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 797 tỷ đồng, cơ cấu giá trị sản xuất chiếm 37,5%, bình quân lương thực đạt 776 kg/người/năm (tăng 36 kg/người/năm so với năm 2014); giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 35,1 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực là 9.675/9.100 ha, đạt 106,3% so kế hoạch (tăng 654 ha so năm 2014); sản lượng lương thực đạt 43.050/41.000 tấn, đạt 105% so kế hoạch (tăng 4.450 tấn so với năm 2014).

Đối với lĩnh vực trồng trọt, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các vùng đã được quy hoạch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường đưa giống mới chất lượng cao, cây trồng mới (lê, đào, cam…), máy móc công cụ vào sản xuất, mở rộng diện tích vụ đông xuân và thu - đông; xây dựng vùng sản xuất lúa và chè chất lượng cao; quan tâm sửa chữa, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, thực hiện tốt công tác khuyến nông, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, tổng diện tích chè trên địa bàn toàn huyện là 1.297 ha; cây ăn quả là 502,7 ha, diện tích cho thu hoạch là 170 ha, sản lượng hàng năm đạt 561 tấn (tăng 123 tấn so năm 2014). Mở rộng diện tích một số loại cây có giá trị kinh tế cao tập trung theo vùng, triển khai thực hiện trồng mới, chăm sóc đảm bảo diện tích và sản lượng theo kế hoạch.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao theo hướng bán công nghiệp, từng bước chuyển đổi từ phương thức nuôi thả tự do sang hình thức nuôi bán công nghiệp có kiểm soát; chuyển từ mục tiêu chăn nuôi lấy sức kéo sang mục tiêu sản xuất thực phẩm hàng hóa nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa; đầu tư xây dựng mô hình Hợp tác xã liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm; thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật về phòng chống rét, dịch bệnh, sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ trong nông nghiệp để bảo quản, chế biến làm thức ăn dự trữ, bổ sung trong mùa đông cho gia súc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào khảo sát lập dự án đầu tư; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trung bình hàng năm là 6%, đạt 100% so kế hoạch. Hiện tổng đàn gia súc là 54.448 con (tăng 2.674 con so năm 2014).

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng, phát huy vai trò trách nhiệm của chủ rừng; tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng rừng mới; giai đoạn 2015-2017 đã tổ chức khoanh nuôi tái sinh 17.421 lượt ha; trồng rừng mới 476,9 ha; tỷ lệ che phủ rừng 44,3 %. Toàn huyện có trên 8.300 hộ trực tiếp tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng, thực hiện mô hình nông-lâm kết hợp và trồng cây Mắc ca, cây thảo quả dưới tán rừng, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế như thu nhập từ khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng và môi trường rừng đạt 3 triệu đồng/hộ/năm, có nhiều hộ đạt trên 20 triệu đồng/hộ/năm; thu nhập từ trồng rừng đạt trên 30 triệu đồng/ha; thu nhập từ trồng cây Mắc ca trung bình đạt 81 triệu đồng/ha.

Huyện đã triển khai và thực hiện tốt các chính sách của tỉnh về hỗ trợ sản xuất; đã hỗ trợ 259 tấn lúa, 123 tấn ngô, 550 vạn cây giống các loại, 88 tấn vôi, 100 truồng trại… Qua đó, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Hiện trên địa bàn huyện có 2.524 ha cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, 685 ha thu nhập trên 80 triệu đồng; tỷ lệ sử dụng giống mới chiếm trên 96% diện tích; đã có 1.605 hộ trồng chè tham gia liên doanh, liên kết với doanh nghiệp và hợp tác xã, một số hộ nông dân trồng chè có thu nhập từ 100 triệu đến 250 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn những hạn chế như quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa phát huy tốt vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất; chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp được liên kết sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã; cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển còn chậm; thị trường tiêu thụ hàng nông sản chủ yếu là nội địa và chưa ổn định...

Với mục tiêu khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, duy trì tăng trưởng, chuyển phương thức sản xuất từ quảng canh, tự cung tự cấp sang thâm canh và sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, đặc biệt phát triển một số sản phẩm hàng hóa mũi nhọn, thời gian tới huyện Tam Đường tiếp tục tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện; thực hiện tốt chính sách ưu đãi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và địa bàn nông thôn; thực hiện việc giao và cho thuê đất đối với những diện tích đất do nhà nước quản lý; khuyến khích nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo trồng khảo nghiệm, thử nghiệm, đưa vào cơ cấu sản xuất các giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng cao thích ứng với từng vùng; đưa cơ giới hoá vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến; lồng ghép các chương trình tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đổi mới dây chuyền công nghệ, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị của sản phẩm.../.

Phạm Giang


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.384
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 228.288
Năm 2024 : 659.123
Tổng số : 82.125.216