• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mường Tè đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân

(laichau.gov.vn)
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trên địa bàn huyện Mường Tè tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, đã góp phần giáo dục, vận động cán bộ, công chức và mọi tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Phòng Tư pháp huyện tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại thị trấn Mường Tè

Mường Tè là một huyện vùng cao biên giới, phía Bắc có đường biên giới dài 130,292km; toàn huyện có 14 xã, thị trấn gồm 119 bản, khu phố; 7.932 hộ với trên 40.398 nhân khẩu; các hộ dân sinh sống tại đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Cống, La Hủ, Mông, Hà Nhì, Si La,… trình độ dân trí không đồng đều, sự hiểu biết về pháp luật của một số người dân còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, hàng năm UBND huyện Mường Tè chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, xã, thị trấn; ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh và huyện. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Tổ chức hội nghị, cuộc họp tại trung tâm xã, các điểm bản, khu phố, cụm dân cư; trên hệ thống loa truyền thanh bằng tiếng dân tộc tại các thôn, bản, tổ dân cư; thông qua các quy ước, hương ước phù hợp với thực tế tại địa phương; treo băng zon, khẩu hiệu tại các tuyến đường chính, các khu trung tâm để tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân… với nhiều nội dung được tuyên truyền như Luật Hộ tịch; Luật Phòng, chống ma túy; Luật hôn nhân và gia đình; các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế - xã hội, về trật tự an ninh - quốc phòng,...

Chị Lù Phí Pa- Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: Do đặc thù địa bàn có dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống không tập trung, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi xác định phải đổi mới, linh hoạt các hoạt động tuyên truyền pháp luật từ lựa chọn nội dung đến cách thức tuyên truyền sao cho phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể. Ngoài ra, để phục vụ công tác tuyên truyền, ngoài những tài liệu do cấp trên cung cấp, Phòng Tư pháp huyện đã chủ động biên soạn các loại tài liệu tuyên truyền phù hợp với thực tế địa bàn; phối hợp với Công an huyện, Huyện đoàn, Hội phụ nữ, Tòa án Nhân dân huyện… tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu tại các trường học; tổ chức các buổi xét xử lưu động để tuyên truyền các quy định về phòng, chống ma túy; an toàn giao thông; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình. 

Song song với đó, công tác tuyên truyền thông qua hoạt động hòa giải tại cơ sở cũng được các cấp, các ngành phối hợp và thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng số Tổ hòa giải ở cơ sở là 130 tổ/134 bản, khu phố, với 565 hòa giải viên; đội ngũ hòa giải viên cơ sở hầu hết là những cán bộ hưu trí, là những người am hiểu về pháp luật và có uy tín trong cộng đồng dân cư, được Nhân dân tín nhiệm và được tham gia các lớp tập huấn giúp trang bị kỹ năng và nâng cao về nghiệp vụ hòa giải. Năm 2018, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Mường Tè đã hòa giải thành 50/53 vụ, nội dung vụ việc chủ yếu mâu thuẫn dân sự giữa các bên trong cộng đồng dân cư, bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai... Hiện tại, huyện có 14 tủ sách pháp luật với hơn 2.700 đầu sách pháp luật, chủ yếu là các văn bản quy phạm pháp luật, được bổ sung, cập nhật thường xuyên đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đến tìm hiểu, nghiên cứu. 

Anh Vàng Văn Bình, cán bộ Phòng Tư pháp, cho biết: Trước đây, một phần do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, một phần do một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại nên người dân thường chậm đăng ký khai sinh cho con, không khai tử cho người chết, không đăng ký kết hôn,...mà chỉ khi con đến tuổi đi học hoặc khi nào cần người dân mới đến làm thủ tục. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL nên người dân đã hiểu và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn...

Phòng Tư pháp huyện phối hợp với lực lượng Biên phòng

tuyên truyền pháp luật cho người dân bản Ló Na, xã Thu Lũm

Vốn được biết đến là một xã biên giới đặc biệt khó khăn với 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhiều năm liền, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè không còn tình trạng di cư tự do; không có hiện tượng người mắc tệ nạn xã hội; tình hình an ninh chính trị luôn ổn định. Có được kết quả đó là nhờ các cấp ủy, chính quyền xã Ka Lăng đã chú trọng làm tốt công tác PBGDPL, nhất là đối với nhóm tuổi thanh niên.

Ông Lù Phí Xè, bản Lò Ma, xã Ka Lăng cho biết: Hơn một nửa số hộ ở đây thuộc diện nghèo, số hộ có ti-vi, ra-đi-ô chưa nhiều, trừ Báo Lai Châu vùng cao được phát đến Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn nên hiểu biết về pháp luật của Nhân dân còn hạn chế. Từ khi được các cán bộ xuống tuyên truyền, giải thích, xem các buổi xét xử lưu động tôi đã hiểu hơn về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và tôi đã vận động mọi người trong gia đình mình làm theo những những hướng dẫn của cán bộ, không hiểu thì đến hỏi cán bộ để biết, tôi thường dặn con cháu không được đánh người, dùng ma tuý và uống rượu khi đi xe máy.

Trong năm 2018, Phòng Tư pháp huyện tổ chức được 478 buổi tuyên truyền, với 34.529 lượt người tham gia; soạn thảo, phát hành tờ rơi và tờ gấp được 12.500 tờ cho các bản, tổ dân phố; cấp phát 50 đề cương tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, thị trấn; tổ chức xét xử lưu động 05 vụ với hơn 500 người tham gia; Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện mở 12 chuyên mục, với 40 tin, 15 bài, thời lượng phát sóng 480 phút...

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Mường Tè sẽ chủ động bám sát các Đề án, Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp để xây dựng kế hoạch PBGDPL cho sát với điều kiện cụ thể của địa phương, đưa công tác PBGDPL trên địa bàn huyện đi vào hoạt động có chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường củng cố, kiện toàn tố chức bộ máy cán bộ thực hiện công tác PBGDPL; Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở; thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động; thực hiện tốt phương châm “Hướng hoạt động công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về xã, bản” bằng cách lồng ghép nhiều hình thức phong phú và đa dạng, phù hợp với từng vùng, từng đối tượng; tiếp tục chỉ đạo việc củng cố, xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật đảm bảo theo quy định.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí tuyên truyền, duy trì hoạt động của các nhóm, câu lạc bộ; trình độ dân trí còn hạn chế, song với những nỗ lực, chủ động trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, huyện Mường Tè đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. 

Sơn Tùng


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.858
Hôm qua : 11.138
Tháng 04 : 171.724
Năm 2024 : 843.314
Tổng số : 82.309.407