A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Những chuyển biến rõ nét trong môi trường kinh doanh

(laichau.gov.vn)

Theo kết quả PCI - thước đo hành động của chính quyền, năm 2020 tỉnh Lai Châu xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2019.

Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh uỷ đã tới kiểm tra hoạt động của Trung tâm Hành chính Công tỉnh
Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh uỷ kiểm tra hoạt động của Trung tâm Hành chính Công tỉnh

Trong thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển. 

Tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 1505/UBND-KTN về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh Lai Châu đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh kịp thời đề xuất các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cho phù hợp với quy định của pháp luật. 

Mặt khác, UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo từng lĩnh vực, trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện cải cách, đơn giản hóa, công khai các thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Mới đây, tỉnh đã ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, Nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch; Nghị quyết về phát triển rừng bền vững... trong đó có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, cho hợp tác xã, cho nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác.

Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá cao về môi trường đầu tư của tỉnh, nhất là sự cầu thị, lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh; doanh nghiệp đánh giá tỉnh Lai Châu đã kịp thời đưa ra những chính sách hỗ trợ cùng doanh nghiệp vượt khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng thực hiện tốt mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong năm 2020, khối doanh nghiệp tỉnh Lai Châu đã nộp ngân sách năm 1.300 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng thu nộp ngân sách của doanh nghiệp đạt bình quân 38%.

Đáng chú ý, theo kết quả đánh giá của VCCI, năm 2020 tỉnh Lai Châu đã có những chuyển biến đáng kể trong môi trường kinh doanh. Điều này thể hiện qua kết quả PCI năm 2020, tỉnh Lai Châu đạt 61,98 điểm (tăng 2,03 điểm so với năm 2019) xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2019. Đáng chú ý, các chỉ số như Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đều tăng điểm.

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI, chúng ta hoan nghênh các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Và điều này cũng phát đi tín hiệu những động lực và những thực tiễn cải cách tốt đã được lan toả.

Được biết, tỉnh Lai Châu đang tập trung bàn về dự thảo Đề án, Nghị quyết đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung khắc phục các chỉ số còn thấp điểm như: đẩy mạnh chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; có cơ chế thu hút nhân tài, phát huy nhân tài tại chỗ; tăng cường tính minh bạch; cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, trong thời gian qua, các nhà đầu tư đã rất nỗ lực, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên trong quá trình đầu tư, một số dự án bị ảnh hưởng và chậm tiến độ, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh sẽ tăng cường gặp gỡ thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thông qua đó kịp thời nắm bắt những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp xem doanh nghiệp đang vướng ở đâu, từ đó có những giải pháp tháo gỡ.

Nếu như những ý kiến liên quan đến chính sách pháp luật liên quan đến địa phương thì tỉnh sẽ xem xét, rà soát, sửa đổi cho phù hợp. Nếu như chính sách đó thuộc các Luật, Nghị định, Thông tư do cơ quan Trung ương ban hành thì tỉnh sẽ đề xuất với các cơ quan Trung ương để làm sao tháo gỡ hoặc liên quan đến những vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của các Bộ, ngành thì tỉnh cũng sẽ có đề xuất với các Bộ, ngành để làm việc liên quan đến vấn đề đó.

“Tỉnh sẽ thành lập các tổ công tác để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở các huyện, thành phố do Chủ tịch UBND các huyện, thành phố làm tổ trưởng để xác định từng dự án vướng mắc như thế nào, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại các quy chế của ngành, nhất là các thủ tục nội bộ để cắt giảm thời gian cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành để tạo sự phối hợp đồng điệu, chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư”, Chủ tịch Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cập nhật ngày 15/4/2021.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.583
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 127.937
Năm 2024 : 799.527
Tổng số : 82.265.620