A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội hiến kế để phát triển kinh tế- xã hội bền vững

(laichau.gov.vn)
Trong phiên họp buổi sáng, có 29 đại biểu phát biểu trên tổng số 114 yêu cầu. Chiều nay, các bộ trưởng giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Quốc hội bắt đầu 2,5 ngày thảo luận về kinh tế- xã hội. Ảnh: Quang Vinh

Hôm nay 30/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận 2,5 ngày về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Trong phiên thảo luận sáng nay, các ý kiến phát biểu đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế khi năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp nước ta hoàn thành 12 chỉ tiêu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là cơ sở thuận lợi để đặt niềm tin vào tăng trưởng kinh tế năm 2020 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, lạm phát kiềm chế được dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, nợ công được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được cải thiện…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ chưa yên tâm về tình hình kinh tế năm 2020 và việc duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới đang giảm tốc. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực tế đã gây ảnh hưởng xấu đến kết quả xuất khẩu, giảm đáng kể so với năm ngoái. Theo nhiều đại biểu nếu không cải cách mạnh mẽ chúng ta sẽ tụt lại phía sau và rơi vào bẫy thu nhập dưới trung bình.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình đề nghị: “Mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và vào xuất khẩu như nước ta liệu có khả thi. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị các phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này. Ngành chế biến, chế tạo, khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm thì đằng sau sản lượng ấn tượng, chỉ số hàng tồn kho của ngành này cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, vậy tăng trưởng ngành này có bền vững không khi các doanh nghiệp đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường?”

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình

Một số đại biểu đánh giá, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng đóng góp hơn 40% GDP, tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, kinh tế trong khu vực này vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa có chính sách hỗ trợ để kinh tế tư nhân bứt phá trở thành trụ cột của nền kinh tế. 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng 6,3% so với năm 2018. Đại biểu Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh đề nghị phải có sự đột phá về cơ chế chính sách nhằm xóa bỏ rào cản cho phát triển doanh nghiệp tư nhân.

"Con số đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi môi trường kinh doanh có thực sự lý tưởng để doanh nghiệp tư nhân phát triển, tình trạng trên nóng dưới lạnh ở giữa thờ ơ đã giảm nhiệt huyết của người dân, các giấy phép con, cháu, chi phí không chính thức và đặc biệt chi phí tuân thủ pháp luật do tồn tại quá nhiều gia tăng áp lực lên doanh nghiệp. Theo tôi, Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực hỗ trợ đủ mạnh về đất đai, nguồn vốn tín dụng đào tạo nhân lực, liên kết giữa các thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng về chất lượng cao tương xứng với tiềm năng"- đại biểu Nguyễn Như So nêu ý kiến. 

Các đại biểu nêu câu hỏi về tình trạng nghịch lý ở nhiều địa phương, dự án quan trọng chưa được bố trí vốn, hoặc chưa được giải ngân. Trong khi đó có nhiều dự án, nhiều địa phương được bố trí vốn nhưng giải ngân chậm không đạt kế hoạch gây lãng phí nguồn lực. Nhiều bộ ngành địa phương có nhu cầu ngân sách lớn để chi xây dựng cơ bản thì nhiều khoản giải ngân thấp, khả năng chuyển nguồn còn khá lớn. Giải ngân cả nước hiện chưa đạt 50% kế hoạch Thủ tướng giao và khả nâng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Kiên Giang, đề nghị:

“Do vậy đề nghị Chính phủ tới đây cần quan tâm nghiên cứu các nguyên nhân cụ thể để có giải pháp hữu hiệu hơn, kiên quyết hơn trong rải ngân và sử dụng nguồn vốn. Nhất là việc chuyển nguồn nếu chuyển nguồn một năm có thể cho là khách quan còn chuyển nguồn từ năm này sang năm kia phải xem đâu là nguyên nhân để tránh lãng phí nguồn lực. Bởi trong khi nhiều công trình cấp bách khác còn đang chờ bổ sung vào danh mục đầu tư, thì các công trình đã được đưa vào danh mục đầu tư lại không giải ngân được hết  hoặc giải ngân không đúng tiến độ, thiếu hồ sơ, thủ tục là khó chấp nhận.”

Đại biểu Tống Thanh Bình, đoàn Lai Châu 

Liên quan về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, một số đại biểu nêu câu hỏi về vốn giải ngân một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc. Đại biểu Tống Thanh Bình, đoàn Lai Châu cho biết, năm 2018 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ sung danh mục sử dụng vốn ODA và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 Chính phủ đã hoàn thành ký kết hiệp định vay vốn, song đến nay vẫn chưa được bố trí vốn.

“Tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn đối ứng đầu tư công  trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nếu trong năm 2020 không thực hiện được việc bố trí vốn thì dự án sẽ không thực hiện được theo tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đã ký kết, ảnh hưởng lớn đến cơ hội phát triển của các địa phương và đồng bào nhân dân các dân tộc vùng dự án. Đề nghị chính phủ xem xét, bố trí đủ nguồn vốn đối ứng trong kế hoạch vốn năm 2020”- đại biểu Tống Thanh Bình nói.

Về thu ngân sách nhà nước, các đại biểu cũng cho rằng, dù thu ngân sách nhà nước từ đầu năm tới nay vượt dự toán, nhưng tỷ lệ thu ngân sách từ thuế phí còn thấp. Điều đó cho thấy tăng thu ngân sách trung ương trong tổng thu ngân sách nhà nước chưa rõ nét, thu từ sản xuất kinh doanh, từ khu vực doanh nghiệp sản xuất chưa cao, chưa thể hiện nguồn lực nội tại của nền kinh tế. Vì vậy, đề nghị chính phủ có giải pháp điều hành phù hợp nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế trong nước đồng thời thể hiện được vai trò đầu tầu của ngân sách trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận

Cũng trong phiên thảo luận ở hội trường sáng nay, các đại biểu quốc hội bày tỏ lo ngại về các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội để phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, các đại biểu nêu ý kiến về tình trạng thất nghiệp tăng cao; thông tin về tiêu thụ nông sản; các vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long... 

Đề cập hạn chế, tồn tại trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống, nhiều đại biểu cho rằng, đây vừa là hạn chế, tồn tại nhưng cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo, điều hành đến phát triển kinh tế, quản lý xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội…

Đại biểu Hoàng Văn Trà, đoàn Phú Yên cho rằng, nhiều vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội còn thiếu luật, thiếu văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, hệ thống luật còn chồng chéo không ít nội dung còn mâu thuẫn xung đột, thiếu tính thống nhất giữa các điều trong 1 luật và thậm chí trong 1 Điều luật.

Đại biểu Hoàng Văn Trà, đoàn Thái Nguyên

"Chất lượng các văn bản pháp luật ban hành chưa cao về nguyên tắc luật được ban hành chưa cao. Về nguyên tắc, luật được ban hành là có thể áp dụng được nhưng thực tế luật của chúng ta phải có Nghị định và Thông tư mới thực hiện được nên phải chờ, chưa nói đến việc nếu văn bản hướng dẫn thi hành không hoàn toàn đúng với nội hàm của Luật, không rõ nghĩa, dễ bị hiểu vận dụng và vận dụng khác nhau chưa nói là bị lợi dụng và lách luật"- đại biểu Trà nhấn mạnh. 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An đề nghị làm rõ những vấn đề trong thực thi pháp luật, đại biểu dẫn chứng, như một số vụ việc gần đây mà cử tri hết sức băn khoăn như vụ vi phạm của công ty Alibaba đã kéo dài trong 3 năm, diễn ra trên 3 tỉnh thành và hơn 6 nghìn người có liên quan mới được xử lý. Vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần phích nước Rạng Đông về việc chậm thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường được ví như là các quả bom nổ chậm ra khỏi khu vực dân cư chưa được triển khai 1 cách nghiêm túc.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng: "Những vụ việc đó đã bộc lộ công tác quản lý nhà nước còn nhiều thiếu sót, nhiều lỗ hổng còn buông lỏng và thậm chí thiếu trách nhiệm, yếu kém. Những việc làm rõ để quy trách nhiệm quản lý để xử lý để siết chặt kỷ cương, kỷ luật chưa được quan tâm đúng mức. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có các biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời đừng để người dân phải chịu hậu quả về sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong thực thi nhiệm vụ".

Góp ý về lĩnh vực văn hóa, đại biểu Dương Minh Ánh, thành phố Hà Nội cho rằng, trong những năm qua, lĩnh vực văn hóa đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng xét về tổng thể, văn hóa chưa được coi trọng tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước. Theo đại biểu, văn hóa là gốc rễ của mọi vấn đề. Với một đất nước đang trên đà phát triển như nước ta lại càng cần phải coi trọng và tập trung nguồn lực đầu tư cho văn hóa.

Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội

"Đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này trong báo cáo và có những giải pháp cụ thể để giải quyết 1 cách căn cơ. Cần ưu tiên bố trí tăng cường nguồn ngân sách để tu bổ cho các công trình văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Có giải pháp quản lý chặt chẽ cẩn trọng hơn đối với việc cấp phép phát hành các tác phẩm điện ảnh, phát hành các ấn phẩm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động của việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, lưu ý đến các lĩnh vực đặc thù như: ý tế, văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao, tránh sắp xếp 1 cách cơ học, nóng vội, duy ý chí"- đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị. 

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, đoàn Quảng Ngãi nêu tồn tại hiện nay về tình trạng lao động nước ta như thể trạng thấp, khả năng tạo việc làm hạn chế, tỷ lệ thất nghiệp cao, năng suất lao động thấp. Đại biểu cho rằng, có nguyên nhân sâu xa từ việc đầu tư chưa đúng mức cho công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em – nguồn lực tương lai của đất nước, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khu vực kinh tế xã hội kém phát triển.

“Việc đầu tư, chăm sóc, giáo dục trẻ em có ý nghĩa rất lớn, nhằm tạo ra một xã hội với công dân tốt, khỏe mạnh về thể lực, tốt về trí lực và nguồn lực lao động lớn có năng suất trong tương lai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững. Vì vậy tôi kính đề nghị chính phủ rà soát, bổ sung và ban hành mới các văn bản hướng dẫn thực hiện quyền trẻ em, chăm sóc trẻ em, công tác phòng chống xâm hại trẻ em nhằm tạo cơ sở pháp luật, cơ chế điều kiện thuận lợi cho các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả”.- đại biểu Phạm Thị Thu Trang kiến nghị. 

Chiều nay, dự kiến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu./.

Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/quoc-hoi-hien-ke-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ben-vung-972467.vov

Cập nhật ngày 30/10/2019

Theo PV/VOV.VN


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 272
Hôm qua : 8.436
Tháng 04 : 113.435
Năm 2024 : 785.025
Tổng số : 82.251.118