• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

(laichau.gov.vn)

Sáng 18/1, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Báo cáo một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với 268 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 34 lượt ý kiến và 8 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội; gửi Công văn đề nghị Ban soạn thảo phối hợp tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan, tổ chức lấy ý kiến tại địa phương, tổ chức rà soát, chỉnh lý dự án Luật.

Ngày 12/1/2022, Thường trực Ủy ban Xã hội đã họp với Thường trực Ban soạn thảo, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu để cho ý kiến về các nội dung lớn báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, các đại biểu Quốc hội đã góp ý đối với các điều khoản quy định về các nội dung: đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; về hình thức khen thưởng; về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương, Danh hiệu Vinh dự Nhà nước; về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi đua, khen thưởng...

Qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 97 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, bỏ 2 điều (Điều 70 về Huy hiệu; Điều 94 về Khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng), bổ sung 1 điều về quy định chuyển tiếp.

Dự thảo đã bổ sung nội dung: bổ sung đối tượng được tặng danh hiệu "Chiến sĩ tiên tiến" (Điều 21); nêu rõ về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (Điều 48); tiêu chuẩn tặng thưởng Huân chương Hữu nghị (Điều 50); bổ sung tiêu chuẩn cá nhân được nhận "Giải thưởng Nhà nước", "Giải thưởng Hồ Chí Minh" (Điều 66).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng giải trình những vấn đề cụ thể liên quan đến các nội dung của dự án luật về việc bổ sung danh hiệu thi đua "Xã tiêu biểu", "Phường, thị trấn tiêu biểu" (Điều 26); việc bổ sung "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" (Điều 51 và Điều 55); Huy hiệu (Điều 70 của dự thảo Chính phủ trình Quốc hội) và kỷ niệm chương cấp tỉnh; vấn đề tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến; vấn đề khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách; vấn đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng;...

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng cần xác định việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này là việc làm rất khó, rất nhạy cảm và rất quan trọng, nên cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao. Các cơ quan hữu quan cần tiếp tục phối hợp tốt hơn để hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm yêu cầu chất lượng, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Một số ý kiến đề nghị Ủy ban Xã hội cần có báo cáo trình bày rõ hơn việc tiếp thu ý kiến của đại biểu với chính kiến rõ ràng và thuyết phục về những vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan chủ trì thẩm tra cần tăng cường phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp để xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật...

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng nhiều ý kiến liên quan đến những nội dung cụ thể về việc bổ sung "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"; các nội dung về tiêu chuẩn, các danh hiệu thi đua; thẩm quyền khen thưởng; hồ sơ khen thưởng; việc xây dựng hướng liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng;…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, thấu đáo các ý kiến góp ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) để đảm bảo chất lượng của dự án Luật cũng như tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu. Trong đó, nêu rõ ý kiến nào của đại biểu đã được tiếp thu, vấn đề nào đã thống nhất, chưa thống nhất với lý do cụ thể; chú ý kỹ thuật lập pháp, từ ngữ viết chính xác và rõ ràng./.

Cập nhật ngày 18/1/2022


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9.525
Hôm qua : 8.457
Tháng 04 : 164.253
Năm 2024 : 835.843
Tổng số : 82.301.936