• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu nỗ lực xây dựng nông thôn mới

(laichau.gov.vn)
Những năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống của người dân ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,98%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định...

Các lực lượng tham gia làm đường nông thôn mới tại xã Nậm Lỏng, thành phố Lai Châu.

Trở lại xã Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) khi cái nắng hầm hập của những ngày tháng 6 cứ đeo bám chúng tôi suốt dọc cuộc hành trình. Trên các triền đồi, vách núi hai bên đường vào xã chúng tôi thấy đã phủ đầy màu xanh của Quế, Sơn tra. Những con đường đất xưa lởm chởm đá, bùn đất lầy lội mỗi khi trời mưa nay đã được thay bằng những con đường đổ bê tông phẳng lỳ và sạch sẽ.

Trước đây, Nậm Sỏ là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Uyên, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, những năm qua xã đã có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", xã đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung mọi nguồn lực phục vụ cho chương trình; tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ chủ trương, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã đã tổ chức thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch chung của huyện và điều kiện thực tế của xã; khuyến khích người dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2019, bình quân trên đầu người của xã đạt 22 triệu đồng/người, tăng 3,3 triệu đồng/người so với năm 2017; diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt vượt so với kế hoạch. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị của xã, đến nay bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân trên địa bàn xã đã có nhiều khởi sắc. Đến thời điểm này, xã Nậm Sỏ đã hoàn thành 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình hơn 3 ha trồng Quế, anh Lò Văn Pùn, bản Thó Ló, xã Nậm Sỏ cho biết: "Trước đây toàn bộ hơn 3 ha đất này gia đình chỉ trồng sắn để phục vụ cho chăn nuôi. Sau khi được cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc gia đình tôi đã chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng Quế". Nhìn 3 ha trồng Quế đang phát triển xanh tốt, các cây cao 4-5 mét và được chăm sóc kỹ lưỡng, chúng tôi cảm nhận cây Quế sẽ đem lại cho gia đình anh Pùn cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nậm Sỏ những triển vọng tốt và hi vọng 3 đến 5 năm tới, loại cây này sẽ trở thành cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của xã...

 

Cây Quế đang phát triển mạnh tại xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên.

Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã huy động hơn 584 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng về văn hóa, giáo dục, giao thông, thủy lợi, xóa nhà tạm… Đặc biệt, sau 3 năm triển khai thực hiện, nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt. Người dân hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới nên ngày càng tích cực, chủ động tham gia, đã tự nguyện hiến 914.368m2 đất, 65.671 ngày công lao động và 2.881 triệu đồng tiền mặt; tích cực phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội...

Kết quả hết năm 2018, toàn tỉnh Lai Châu đã có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 30,3% tổng số xã, gấp 2 lần bình quân của các tỉnh miền núi phía Bắc, bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 2,59 tiêu chí so với năm 2015. Đến nay, Lai Châu đã có 2 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước là Tân Uyên và Than Uyên. Ðặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa và 55/96 xã đạt tiêu chí giao thông; hệ thống thủy lợi tiếp tục được xây dựng, duy tu, bảo dưỡng với 91/96 xã đạt tiêu chí; hạ tầng lưới điện cũng được đầu tư hiện đại, đã lắp đặt được 43,84 km điện chiếu sáng nông thôn, 4 trạm biến áp mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chí về điện trong toàn tỉnh lên 86 trong số 96 xã. Có đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng tương đối hiện đại, có nguồn điện lưới quốc gia phủ khắp các xã, bản nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2016; tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn toàn tỉnh còn 30,7%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm đạt 6,06%; số hộ cận nghèo chiếm 13,43%. Hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn, môi trường sinh thái nông thôn từng bước được cải thiện; trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh còn gặp không ít khó khăn như công tác, chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu hoặc quy hoạch hiện nay không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Việc áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới còn lúng túng, công tác tuyên truyền, vận động mặc dù đã được chú trọng nhưng đến nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình và còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước...

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, ưu tiên hỗ trợ các xã dự kiến đạt chuẩn và các xã đặc biệt khó khăn... Nhất là hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối địa phương và vùng miền để phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa; vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tuyên truyền vận động, tạo điều kiện tốt nhất để lao động trẻ tham gia thị trường xuất khẩu lao động; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi có yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Ðảng và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Hy vọng rằng, với những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ đạt được mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 huyện (thành phố) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và từng bước xây dựng Lai Châu trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020.

Sơn Tùng


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 685
Hôm qua : 11.138
Tháng 04 : 166.551
Năm 2024 : 838.141
Tổng số : 82.304.234