• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng kế hoạch thực hiện - Nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới

(laichau.gov.vn)
(laichau.gov.vn) Dù còn nhiều khó khăn nhưng xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cần thiết, trọng tâm, phải thực hiện lâu dài và dồn nguồn lực để thực hiện, nhất là cần có sự vào cuộc của người dân – đối tượng chính trong chương trình này, từ đó Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong chỉ đạo thực hiện khẳng định những nỗ lực của chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Nậm Lỏong, thành phố Lai Châu, để duy trì và phát huy tốt các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, hoàn thành các tiêu chí còn thiếu, nhất là tiêu chí môi trường, lãnh đạo xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tích cực xuống các bản, đến từng hộ để hỗ trợ, hướng dẫn, vận động người dân vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà ở, thu gom và để rác tập trung theo quy định. Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Nậm Lỏong Sùng Thị Dẻ cho biết: “Qua tuyên truyền, vận động, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đã có ý thức bảo vệ môi trường sống để giữ gìn sức khỏe. Xã Nậm Lỏong cũng xác định để thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường, trước tiên, địa phương vẫn phải tuyên truyền làm thay đổi thói quen, nhận thức cho người dân từng bước, từng bước một. Ví dụ như ở bản Gia Khâu, so với 3 năm trước thì nếp sinh hoạt của bà con đã có một sự thay đổi rất lớn, môi trường cũng được cải thiện".

Cũng theo lời lãnh đạo xã Nậm Lỏong, từ sự vào cuộc của các đoàn thể trong xã về đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhất là thực hiện "cầm tay chỉ việc" tại các gia đình nên hiện nay, người dân đã duy trì tập trung dọn vệ sinh làng bản vào một ngày cuối tuần, tích cực giữ gìn vệ sinh nhà ở, ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh chung. Nậm Lỏong cũng phát huy tối đa các tiêu chí đã đạt được, từng bước nâng dần mức sống cho người dân, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Được biết để tháo gỡ những vướng mắc nhằm triển khai thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao hơn, bên cạnh việc tiếp tục giao chỉ tiêu cụ thể về cho các xã thì ngay từ đầu năm, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng xây dựng kế hoạch thực hiện. Căn cứ trên kế hoạch đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban và các hội, đoàn của huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ công tác hỗ trợ, giám sát, đôn đốc cơ sở triển khai các chỉ tiêu nông thôn mới. Ví như, Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên đảm nhiệm việc hỗ trợ, đôn đốc các xã thực hiện chỉ tiêu vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà sạch vườn đẹp với các phong trào công tác hội; Hội nông dân đảm nhiệm chỉ tiêu về chồng trại chăn nuôi; Mặt trận tổ quốc và y tế đảm nhận về chỉ tiêu nhà vệ sinh và an toàn thực phẩm. Cùng với đó là dồn các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí khó đạt, các tiêu chí sắp đạt, các xã về đích nông thôn mới theo kế hoạch...

Năm 2019, huyện Tân Uyên dự kiến có 2 xã Mường Khoa và Hố Mít sẽ cán đích nông thôn mới. Theo lãnh đạo huyện, để hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới hoàn thành các tiêu chí, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện để đảm bảo các nội dung như: văn hoá, y tế, giáo dục, an ninh... hoàn thành; cân đối, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các nội dung trong khả năng (đường giao thông nội bản, nhà ở dân cư, môi trường). Tại xã Mường Khoa, theo ông Lò Văn Hưởng – Phó Chủ tịch UBND xã thì cùng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã đã xây dựng kế hoạch và huy động được sự vào cuộc của Nhân dân trong xã. Hiện nay còn 8/19 tiêu chí chưa hoàn thiện, xã đang dồn các nguồn lực thực hiện các tiêu chí khó đạt, xã hội hoá các tiêu chí có thể để về đích nông thôn mới theo kế hoạch.

Với mục tiêu hết năm 2019 tỉnh Lai Châu thực hiện trung bình ước đạt 14,76 tiêu chí/ xã; 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Và đến năm 2020 bình quân thực hiện đạt 15,5 tiêu chí/ xã; 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 huyện (thành phố) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; xây dựng kế hoạch hoạt động từ đầu năm để chỉ đạo thực hiện. Chú trọng công tác tuyên truyền và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể ở mỗi địa phương.

Trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông thôn. Đối với các vùng ven đô thị phát triển dịch vụ, thương mại và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đối với các xã thuần nông đẩy mạnh liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao và sản lượng lớn. Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế thông qua việc rà soát, đánh giá lực lượng lao động dôi dư, xúc tiến việc làm tạo điều kiện cho lao động trong tỉnh xuất khẩu sang thị trường lao động các nước và các tỉnh trong nước để nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương; đối với lao động phục vụ tại địa phương đào tạo nghề gắn với việc làm đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Tỉnh Lai Châu cũng đang chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp tham mưu ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư tại tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; Xây dựng một số mô hình HTX nông nghiệp điểm hoạt đảm bảo hoạt động theo luật và có sự liên kết với người dân trong sản xuất, từ đó có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên nguồn vốn chương trình để thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất, vệ sinh môi trường nông thôn. Việc bố trí vốn để xây dựng trụ sở xã, nhà văn hóa xã, chợ nông thôn, nghĩa trang... cần xem xét kỹ về tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. 

Không chỉ chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp mà người dân các địa phương cũng hiểu rõ vai trò của mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, họ đã có ý thức và cùng vào cuộc trong mọi hoạt động: Hiến đất làm đường, tham gia ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, các trục đường liên bản, góp tiền và công sức làm đường điện chiếu sáng trục thôn bản... Sự vào cuộc của người dân đã góp phần vào những kết quả đạt được của Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh từ khi thực hiện đến nay.

Với sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã khẳng định sự nỗ lực của các cấp, ngành trong xây dựng nông thôn mới, mong rằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ thực sự mang lại những điều khởi sắc cho bộ mặt nông thôn vùng biên giới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa; từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thói quen sinh hoạt văn minh, lịch sự, để Lai Châu thực sự trở thành tỉnh miền núi phát triển ổn định, bền vững.

Quý Bảo


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 649
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 224.553
Năm 2024 : 655.388
Tổng số : 82.121.481