• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuân về trên xã nông thôn mới Tà Mít

(laichau.gov.vn)
Mùa xuân đang đến, đúng thời điểm này, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tà Mít, huyện Tân Uyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là niềm vui lớn đối với xã sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xã Tà Mít nhận Cờ thi đua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên chén trà xanh đầu xuân, ông Phạm Đức Công, Chủ tịch UBND xã Tà Mít cho biết: Xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2011, đầu năm 2012. Thời điểm đó, xã vừa hoàn thành chương trình di dân tái định cư với nhiều khó khăn và qua rà soát xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới luôn được ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và an sinh xã hội; cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã.

Hàng năm, xã đã tổ chức trên 30 buổi tuyên truyền, vận động với sự tham gia của trên 1.500 lượt người dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhân dân các bản tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa; riêng năm 2018, người dân trên địa bàn xã đã hiến 2.500 m2 đất; đóng góp trên 2.000 ngày công để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Gia đình ông Lò Văn Mín, bản Nậm Khăn, xã Tà Mít là hộ tiêu biểu trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã xúc động cho biết: Từ năm 2011, 2012, khi chúng tôi bắt đầu cuộc di vén chuyển về nơi ở mới, cũng là lúc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được xã triển khai thực hiện. Bước đầu thực hiện vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhận thức của Nhân dân còn hạn chế. Sau khi được cán bộ tuyên truyền, vận động tôi và các hộ gia đình đã tích cực tham gia. Do vậy, hơn 7 năm qua, gia đình tôi và các hộ gia đình trong bản đã hiến trên 1.000m2 đất, đóng góp 1.221 ngày công để tham gia làm đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa bản; đã trồng được trên 150 ha quế, nuôi 35 lồng cá mang lại thu nhập ổn định.

Từ năm 2011 đến nay, bằng các nguồn đầu tư xã đã cứng hóa, mở mới được trên 35 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, xã có 100% đường giao thông liên xã; 89% đường giao thông nội đồng được cứng hóa, đảm bảo đi lại và sản xuất thuận tiện quanh năm cho người dân. Toàn bộ hệ thống điện của xã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; 04/04 bản có điện lưới quốc gia, tổng số hộ được sử dụng điện an toàn từ các nguồn đạt 96%; 2/2 trường học trên địa bàn xã đảm bảo đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Xã có 01 nhà văn hóa, 04/04 bản có điểm sinh hoạt văn hóa đảm bảo tổ chức các hoạt động vui chơi và sinh hoạt của người dân. Hiện trên địa bàn xã không có nhà tạm, nhà dột nát. Số nhà ở đạt chuẩn quy định là 277/277 hộ, đạt 100%.

Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân luôn được xã quan tâm và tập trung chỉ đạo theo hướng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thâm canh tăng vụ nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc. Các hộ gia đình đã đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của xã như phát trồng rừng và nuôi thủy sản. Trong những năm qua, từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã đã vận động Nhân dân trồng được trên 675 ha quế, phát triển được trên 130 lồng cá ở lòng hồ với những loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, cá Bống Tượng… mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn xã. Hiện trên địa bàn xã có một Công ty Cổ phần Sông Thiên Đức đang hoạt động đúng quy định, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân; liên kết với Nhân dân phát triển vùng nuôi cá lồng trên hồ thủy điện; chuyển giao kỹ thuật, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản và nông nghiệp. Do đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2018 là 29,1 triệu đồng/người/năm (tăng 24,1 triệu đồng/người/năm so với năm 2011). Tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2018 giảm xuống còn 10,46% (giảm 42,5% so với năm 2011). Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt xấp xỉ 100%.

Người dân xã Tà Mít nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát. (Ảnh: Hương Ly)

Về văn hóa-xã hội được đẩy mạnh thực hiện. Xã được UBND huyện công nhận phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học THPT, bổ túc trung học phổ thông, học nghề năm 2018 đạt 70,98%. Tổng số lao động qua đào tạo của xã đạt 39,78%. Xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2018; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Hệ thống chính trị được xã quan tâm thực hiện. Đến nay, xã có 95,4% cán bộ xã đạt chuẩn theo quy định. Đảng bộ, chính quyền xã hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt “Trong sạch, vững mạnh”. Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã cuối năm đều được xếp loại khá trở lên.

Môi trường là tiêu chí được đánh giá khó thực hiện. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong những năm qua, xã đã tập trung tuyên truyền vận động Nhân dân, gắn trách nhiệm, phát huy sức mạnh của các ban, ngành, đoàn thể xã, bản, phân công cá nhân, tập thể, phụ trách theo nhóm, bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, xã đã vận động làm được 230 hố rác, toàn xã có 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Người dân trên địa bàn xã đã thường xuyên tham gia phong trào “Ngày thứ 7 xanh-sạch-đẹp” để tổng vệ sinh môi trường. Vì vậy, đường làng, ngõ bản, cảnh quan xanh-sạch-đẹp, không có cơ sở sản xuất, kinh doanh xả chất thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường. 04/04 bản đã xây dựng hương ước, quy ước về giữ gìn vệ sinh chung của bản, có sự tham gia của 100% hộ dân. Trên địa bàn xã có 74% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch (sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp); có 77% hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi được bố trí hợp lý, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. 

Ông Phạm Đức Công nhấn mạnh: Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã tạo ra sức lan tỏa lớn và mang lại hiệu quả thiết thực. Các công trình hạ tầng được quan tâm đầu tư mới và nâng cấp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, từ đó đã tác động để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Để duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã sẽ tiếp tục duy tu, bảo dưỡng các công trình đã được đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh khai hoang ruộng nước để chủ động về lương thực; tăng cường phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây có giá trị kinh tế; đẩy mạnh phát triển trồng rừng để nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình; tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp…

Tuệ Anh - TP Lai Châu


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.474
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 225.378
Năm 2024 : 656.213
Tổng số : 82.122.306