A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế ở Lai Châu

(laichau.gov.vn)
Hòa chung với xu thế hội nhập của cả nước, trong những năm qua tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Vùng nguyên liệu để sản xuất chè sạch của huyện Tân Uyên.

Để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh đồng thuận, tích cực thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Nhằm tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp nắm bắt được thông tin, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư, danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh; biên soạn, in ấn tài liệu về công tác xúc tiến đầu tư như Lai Châu-Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư, danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư vào tỉnh Lai Châu đến năm 2020; đưa tin kịp thời, đầy đủ các hoạt động đón, tiếp và làm việc với các đoàn khách quốc tế, các hoạt động ngoại giao Nhân dân của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu; giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương như chè, đá đen… đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại các hội chợ thương mại khu vực.

Đối với hoạt động đối ngoại, tỉnh phát triển tốt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương của các nước trong khu vực và trên thế giới, các đại sứ quán, các tổ chức phi Chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức thành công các đoàn công tác của tỉnh sang thăm và làm việc với các tỉnh Vân Nam-Trung Quốc và 03 tỉnh Bắc Lào; đón tiếp và làm việc với các đoàn công đoàn công tác của các tỉnh thuộc nước bạn sang thăm và làm việc tại tỉnh ta. Coi trọng phát triển mối quan hệ có chiều sâu với các đối tác truyền thống nhằm giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Mối quan hệ hữu nghị Việt-Trung trên địa bàn tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã tổ chức thành công chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 4 (năm 2017); phiên họp lần thứ VII Nhóm Công tác liên hợp giữa các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang - Việt Nam với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc (năm 2018). Qua đó, đã góp phần làm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị của hai nước Việt Nam-Trung Quốc nói chung; giữa tỉnh Lai Châu với các tỉnh lân cận của Trung Quốc và các tỉnh trong nước nói riêng. Trong năm 2018, tỉnh đã làm thủ tục cho 28 đoàn, 48 cá nhân với 354 lượt cán bộ trong tỉnh đi nước ngoài, đón tiếp 91 đoàn với 586 lượt người nước ngoài vào thăm và làm việc tại tỉnh; tiếp nhận và bàn giao số tiền 40.000 USD do hai tỉnh Phông Sa Ly và U Đôm Xây (Lào) hỗ trợ Nhân dân tỉnh Lai Châu khắc phục hậu quả do mưa lũ; tiếp nhận 102 triệu đồng do kiều bào Việt Nam tại Thái Lan ủng hộ đồng bào tỉnh Lai Châu bị lũ lụt.

Công tác nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp được đẩy mạnh thực hiện; tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước; tăng cường thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các sự kiện tiếp xúc đầu tư và thương mại, nâng cao sức cạnh tranh, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và phương thức quản lý tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Việc phát triển sản xuất công nghiệp, nông-lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng được tăng cường. Toàn tỉnh hiện có trên 170 ha chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, trên 30 ha chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 35 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; có 03 công ty chè áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 22000:2005; có 02 chuỗi cung ứng sản phẩm chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap (Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường).… Chè chủ yếu được xuất sang các nước Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tỉnh còn tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh như gạo đặc sản (Tẻ Râu, Séng Cù, Khẩu Ký); cây ăn quả ôn đới (Đào, Lê); cá nước lạnh (cá Tầm, cá Hồi), cá đặc sản lòng hồ (cá Lăng, cá Chiên)… Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, đào tạo nghề cho người lao động, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tiếp cận với các mô hình sản xuất hiệu quả góp phần giảm chi phí, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh thực hiện. Tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường; các văn bản quy phạm phát luật được ban hành đều đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch; công khai niêm yết các loại giấy tờ, thủ tục hành chính trong hoạt động thương mại và đầu tư tại địa phương, quy định về ưu đãi đầu tư, sự bình đẳng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã công bố 715 danh mục thủ tục hành chính, triển khai thực hiện mô hình một cửa, một cửa điện tử tại 08 huyện, 02 phường; 106 đơn vị cấp xã đã triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử.

Với mong muốn công tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, thời gian tới, tỉnh Lai Châu đẩy mạnh thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, không đúng quy định nhất là trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư…; tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và nước ngoài; tích cực vận động nguồn vốn viện trợ chính thức ODA nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn; tranh thủ nguồn vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các lĩnh vực y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Xuân Hùng - TP Lai Châu


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 576
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 134.689
Năm 2024 : 806.279
Tổng số : 82.272.372