• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Chính quyền các cấp cần có sự góp sức của người dân trong phòng cháy, chữa cháy rừng

(laichau.gov.vn)

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ vậy số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại ngày càng giảm, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt trên 50,5%. Tuy nhiên hiện đang là mùa hanh khô, nguy cơ cháy rừng rất cao, chỉ một tàn lửa nhỏ có thể làm thiệt hại nhiều ha rừng. Chính vì vậy, ngoài sự cố gắng của các cấp chính quyền, cần có sự chung tay, góp sức của người dân.

Những năm qua, nhờ sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nên tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu  ngày càng được nâng cao, đến năm 2020 đạt trên 50,5%.

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 453.000 ha rừng, trong đó có gần 162.000 ha thuộc vùng trọng điểm cháy, nguy cơ cháy cao và rất cao. Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền nên công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đạt được nhiều kết quả tích cực; ý thức trách nhiệm của các chủ rừng và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được nâng lên; số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại giảm; tỷ lệ che phủ rừng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, xâm lấn đất rừng; sự bất cẩn, vô ý của người dân khi dùng lửa hoặc đốt nương làm rẫy gây cháy rừng… vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.

Điển hình gần đây nhất là vụ việc cháy rừng và thảm thực vật tại bản Nậm Dê, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường ngày 26/02/2021. Đám cháy xuất phát từ việc một hộ trong bản đốt nương làm rẫy. Khi gặp gió to, ngọn lửa bùng phát và lan rộng ra xung quanh. Khu vực cháy là cây bụi, thảm thực vật, lau, sậy và nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mặt nước biển, nên lửa cháy nhanh và khó kiểm soát. Để thực hiện công tác chữa cháy rừng, chính quyền địa phương đã phải huy động gần 1.000 người tham gia chữa cháy; đồng thời bố trí dụng cụ, phương tiện chữa cháy và đảm bảo hậu cần cho công tác chữa cháy. UBND huyện Tam Đường báo cáo ngay với UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ lực lượng. Các đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh, Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo huyện Tam Đường đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo tại thực địa và huy động lực lượng vận chuyển nước uống, mì tôm, bánh mì cho lực lượng tham gia chữa cháy trên núi cao. Đến 01h00’ ngày 27/02/2021 đám cháy được khống chế hoàn toàn, đảm bảo an toàn các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Từ vụ việc kể trên cho thấy, chỉ cần một chút bất cẩn của người dân có thể tạo ra một đám cháy lớn và gây ra những thiệt hại về rừng. May mắn là đám cháy đã được khống chế kịp thời dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, nhưng cũng làm tiêu tốn biết bao công sức của hàng nghìn người, trong khi chữa cháy rừng, chủ yếu là sử dụng các biện pháp thủ công, cơ giới để kiểm soát và dập tắt đám cháy, thì các lực lượng tham gia chữa cháy cũng không quản ngại hiểm nguy để bảo vệ từng ha rừng.

Các lực lượng chức năng chữa cháy rừng và thảm thực vật tại bản Nậm Dê, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường ngày 26/02/2021.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Trần Văn Sứng: Hiện UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp với UBND xã Sơn Bình xác minh, củng cố hồ sơ, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Để tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian tới, Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về công tác này; tăng cường tuần tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Quản lý bảo vệ rừng của các bản, nhanh chóng phát hiện các vi phạm và đảm bảo an toàn cho diện tích rừng được giao quản lý. Đối với các cơ quan chức năng của huyện, xã, sẽ tiếp tục rà soát để tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ”.

Được biết, người có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng gây cháy rừng tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điều 17, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và cao hơn nữa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thiết nghĩ, rừng mang lại cho chúng ta những giá trị to lớn về vật chất, cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ sự sống của chúng ta; tình trạng mất rừng và suy thoái rừng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xấu về môi trường mà con người phải gánh chịu như hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, sự nóng lên toàn cầu… Trong khi, cháy rừng làm mất đi diện tích rừng lớn trong một thời gian rất ngắn, khả năng tái tạo của rừng cũng bị giảm, cháy rừng có thể làm mất rừng vĩnh viễn, gây hiện tượng sa mạc hóa, tăng khả năng lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, hơn thế nữa làm con người mất đi nguồn lợi vật chất quý giá từ rừng, mất đi giá trị phòng hộ của rừng... Vì vậy, mỗi chúng ta hãy nâng cao ý thức, cùng chung tay, góp sức vào công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phát đường băng cản lửa.

Và hơn cả chúng ta hãy nghĩ đến các lực lượng đã phải hy sinh, nỗ lực đến nhường nào. Kết thúc bài viết xin chia sẻ một đoạn phỏng vấn của cán bộ tham gia phòng cháy, chữa cháy trong vụ cháy vừa qua tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường mà tôi không thể nào quên: “Mặc dù các lực lượng tập trung phát đường băng cản lửa, nhưng vì gió lớn nên tàn lửa có thể bay 20-30 m và tạo đám cháy khác; nhiều chỗ vách núi chỉ sợ anh em đêm tối ngã xuống vực sâu hoặc sườn núi khi bị cháy hết cây, đá lăn nhiều sợ rơi vào người của anh em đang thực hiện chữa cháy phía dưới. Lúc đám cháy được khống chế cũng hơn 1h đêm, anh em mới thở phào nhẹ nhõm, đến lúc đấy mới thấy đói vì phải đi bộ 2-3h qua khe suối, vách núi, rừng già... Vậy thôi, nhưng anh em ở trên chữa cháy mệt, vất vả bao nhiêu thì các đồng chí lãnh đạo ở dưới sốt sắng, quan tâm, động viên, gọi điện, tiếp tế lương thực nên càng là động lực để quyết tâm dập cháy trong đêm.”

Những lời chia sẻ ấy mộc mạc đến nhường nào, nhưng như 1 bản lên án với những người chưa có trách nhiệm với rừng. Hãy cùng nhau chung tay tuyên truyền và hành động để cùng bảo vệ lá phổi xanh của trái đất.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Luật Lâm nghiệp năm 2017 nêu rõ, phòng cháy, chữa cháy rừng là trách nhiệm của toàn dân: Cấm đốt lửa, sử dụng lửa trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, phân khu phòng hộ rất xung yếu; cấm đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô nỏ vào mùa hanh khô; cấm đốt lửa, sử dụng lửa gần kho, bãi gỗ khi có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V; cấm đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, hạ cây rừng và đốt để lấy than ở trong rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh; cấm đốt nương, rẫy, đồng ruộng trái phép ở trong rừng, ven rừng và các hành vi dùng lửa khác trực tiếp gây ra nguy cơ cháy rừng.

Chủ rừng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như sau:

- Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;

- Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng;

- Đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định;

- Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

- Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.

Người dân sống gần rừng, ven rừng, hoạt động trong rừng phải:

- Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

- Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Phối hợp với các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.

- Tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.

- Khi phát hiện có cháy rừng phải báo ngay cho chủ rừng, cho mọi người và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như UBND xã, phường, cơ quan Kiểm lâm, Công an, Cảnh sát phòng cháy, Quân đội nơi gần nhất.

 


Tác giả: Lê Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.342
Hôm qua : 8.457
Tháng 04 : 163.070
Năm 2024 : 834.660
Tổng số : 82.300.753