A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuyến cáo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và khu dân cư

(laichau.gov.vn)

Trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh diễn ra hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân chủ yếu do chủ hộ gia đình, Nhân dân chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn, ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của một số bộ phận Nhân dân sinh sống tại khu dân cư, hộ gia đình chưa thực sự cao. Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ, thiệt hại do cháy, nổ gây ra, chủ hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và Nhân dân sinh sống tại khu dân cư cần quan tâm, tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

Ảnh minh họa.

1. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, các loại vật dụng dễ cháy.

2. Không để nhiều đồ dùng hàng hóa, chất dễ cháy ở nơi đun nấu, nguồn sinh nhiệt, không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, nếu cần thiết phải dự trữ thì dự trữ với trữ lượng ít nhất có thể và phải đảm bảo về khoảng cách an toàn cũng như phải được đựng trong các thiết bị kín.

3. Đối với hệ thống điện phải lắp đặt các thiết bị tự ngắt Aptomat cho từng tầng, từng khu vực và từng thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn; không để hàng hóa, các vật dễ cháy gần bảng điện, bóng điện, cầu dao, cầu chì, các thiết bị sinh nhiệt; khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sưởi phải có người trông coi; không nên để trẻ em, người già mắt kém, người tàn tật, người bị tâm thần tự sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện. Không sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm và đặt gần các đồ vật có khả năng bắt cháy cao, hấp thụ nhiệt tốt như: chăn, ga, rèm, màn… hoặc các vật liệu dễ cháy khác.

4. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải làm bằng vật liệu không cháy; đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy; hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ; khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn, tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan; nghiêm cấm việc đốt hương thờ cúng, đốt vàng mã tại khu vực có chứa nhiều hàng hóa hoặc chất dễ cháy. Bố trí nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy hoặc cách xa vật liệu dễ cháy, nếu dùng bếp gas phải kiểm tra thường xuyên và có biện pháp chống chuột, gián cắn ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải đóng van xả gas và tắt bếp.

5. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, trang bị dụng cụ chứa nước, xô, chậu xách nước vừa để phục vụ sinh hoạt vừa để phục vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tự trang bị các loại bình chữa cháy xách tay, thiết bị, dụng cụ phục vụ thoát nạn và mọi người trong gia đình phải học tập sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được trang bị.

6. Đối với hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, không nên lắp lồng sắt, lưới sắt, biển quảng cáo làm cản trở lối thoát nạn; trường hợp đã lắp thì phải bố trí ô cửa, lối thoát nạn lên mái, qua ban công hoặc sang nhà bên cạnh để phục vụ thoát nạn. Nên chuẩn bị phương án thoát nạn qua cửa chính hoặc cửa phụ, để sẵn thang, thang dây, dây tự cứu và dụng cụ phá dỡ gần lối thoát nạn.

7. Khi có cháy xảy ra phải nhanh chóng tìm cách báo cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114, hoặc lực lượng dân phòng, Chính quyền, Công an địa phương nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện, dụng cụ để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Cháy, nổ luôn gây ra nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thì điều cần thiết hơn là mọi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy ngay tại hộ gia đình, khu dân cư nơi mình sinh sống.


Tác giả: Thanh Hà (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.883
Hôm qua : 8.173
Tháng 04 : 108.610
Năm 2024 : 780.200
Tổng số : 82.246.293