A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại

(laichau.gov.vn)

Hôm nay (27/9), UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 3584/UBND-KTN về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại.

Công văn nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 5804/CT-BNN-TY ngày 06/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tiếp tục thực hiện phòng, chống bệnh Dại động vật theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại các văn bản: Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Kế hoạch 3794/KH-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản; quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản tỉnh Lai Châu năm 2022.

Chủ động nguồn kinh phí, nhân lực và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại, trong đó đặc biệt ưu tiên triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 70% tổng đàn. Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng; hỗ trợ mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin phòng Dại cho đàn chó, mèo của địa phương.

Có kế hoạch và bố trí nguồn lực để đẩy mạnh công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên động vật, đặc biệt tại những khu vực thành phố, thị trấn, khu vực đông dân cư, khu du lịch, những ổ dịch cũ...

Thường xuyên chủ động thống kê và báo cáo chính xác, bảo đảm quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025. Hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo ký cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người, đặc biệt đối với các giống chó hung dữ cần được nuôi xích nhốt, có rọ mõm; tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo; có lộ trình và từng bước áp dụng đánh dấu nhận diện (vòng đeo cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin Dại; thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại.

Tổ chức theo dõi, giám sát, ngăn chặn, xử lý tiêu hủy chó, mèo, sản phẩm chó, mèo vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển chó, mèo trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại, nhất là trong công tác vận chuyển, quản lý chó nuôi và công tác tiêm phòng nhằm tạo tính răn đe trong cộng đồng và nghiêm chỉnh thực thi pháp luật.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các hệ thống đài phát thanh, truyền thanh, trang thông tin điện tử, mạng xã hội... về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dại tại cộng đồng.

Thành lập các Đoàn kiểm tra, phối hợp với các đơn vị chuyên môn Thú y, Y tế kiểm tra, hướng dẫn, các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Duy trì công tác phối hợp giữa các đơn vị của ngành y tế và ngành nông nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Dại.

Tiếp tục triển khai các hoạt động lấy mẫu chẩn đoán dịch bệnh, giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý kịp thời và tham mưu, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp để tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức và đánh giá hiệu quả thực hiện.

Cập nhật số liệu nuôi chó, mèo của tỉnh trên Hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh trực tuyến (VAHIS). Đồng thời tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo đúng quy định.

Sở Y tế: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong giám sát bệnh Dại trên người và thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng chống bệnh Dại ở người. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn, cào… đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu: Phối hợp với ngành nông nghiệp, y tế tăng cường tuyên truyền về bệnh Dại, mức độ nguy hại của bệnh Dại với tính mạng con người. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống, đặc biệt là trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng bệnh Dại bắt buộc cho đàn chó, mèo.


Tác giả: Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 556
Hôm qua : 8.436
Tháng 04 : 113.719
Năm 2024 : 785.309
Tổng số : 82.251.402