• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đóng góp to lớn của tỉnh Lai Châu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

(laichau.gov.vn)

Tỉnh Lai Châu (cũ) nay được tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, trong đó trận địa Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc địa giới hành chính tỉnh Điện Biên. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng và Ủy ban kháng chiến hành chính, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu cùng với nhân dân cả nước đã có những đóng góp to lớn, quý giá, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng ''lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu", ghi thêm một chiến công chói lọi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Từ khi bắt đầu chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch cho đến khi chiến dịch toàn thắng và giải quyết các hậu quả còn lại, nhân dân Lai Châu đều có mặt và đã góp phần xứng đáng của mình vào thành công chung. Ngoài những đơn vị bộ đội địa phương trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận, tỉnh giữ vai trò rất lớn trong vấn đề hậu cần, tiêu diệt các âm mưu nhằm hỗ trợ cho Điện Biên.

Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, tỉnh tập trung sức huy động mọi khả năng đã chuẩn bị được ra phục vụ tiền tuyến.

Đóng góp to lớn của tỉnh Lai Châu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Đồng bào các dân tộc Lai Châu vận chuyển lương thực phục vụ cho tiền tuyến. Ảnh tư liệu

Mặc dù Điện Biên Phủ là địa bàn xa hậu phương, đường sá đi lại khó khăn, hậu cần là một vấn đề nan giải nhưng sẽ khắc phục được. Sức người, sức của sẽ được huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương lên. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nỗ lực không ngừng phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay từ khi nhận chỉ thị của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc, Ban cán sự Đảng tỉnh đã nhận rõ tầm quan trọng của chiến dịch, toàn Đảng, toàn dân phải dồn sức thực hiện trận quyết chiến chiến lược đó. Hơn nữa chiến dịch này lại diễn ra ở địa phương nên Lai Châu có vinh dự rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề. Ban cán sự Đảng tỉnh đã động viên các dân tộc trong tỉnh với những nỗ lực cao nhất góp phần cùng với cả nước thực hiện bằng được nhiệm vụ này. Công tác trọng tâm là phục vụ tiền tuyến, xây dựng vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất để chống đói.

Theo đó, ngành Công an tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại của địch, bảo đảm an toàn các cuộc hành quân, trú quân, vận chuyển của bộ đội, dân công và bảo vệ các kho tàng, đường sá. Ngành lương thực cùng bộ đội đi vận động nhân dân cho Chính phủ vay thóc, gạo, thực phẩm, làm kho chứa lương thực; ngành Y tế tổ chức các trạm quân y phục vụ dân công hỏa tuyến, tải thương... Đồng bào các dân tộc từ vùng thấp đến vùng cao nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn; phụ nữ xưa nay chỉ quen ở nhà dệt vải, làm nương nay cũng hồ hởi làm đường, gánh gạo; nhiều người mang cả ngựa nhà chở lương thực, nhiều gia đình lùa gia súc, gia cầm vào rừng cho bộ đội.

Nhân dân hai bên sông Nậm Na, một tuyến tiếp tế quan trọng, có nhiều ghềnh thác dữ, đã cùng bộ đội vượt thác ghềnh đảm bảo các bè mảng chở vũ khí, đạn dược còn nguyên vẹn tới mặt trận. Bên cạnh đó du kích các địa phương, được thành lập từ năm 1949 đã được tổ chức lại làm nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc truy quét của địch vào những vùng nghi của Việt Minh chiếm đóng, bảo vệ cơ sở cho bộ đội, đảm bảo giữ bí mật các trận địa ta an toàn tuyệt đối.

Phần lớn Tây Bắc được giải phóng từ cuối năm 1952, một số vùng tại Lai Châu cũng được giải phóng. Cánh đồng Mường Thanh, nơi diễn ra trận đánh lịch sử vô cùng phì nhiêu, màu mỡ là vựa lúa lớn nhất trong số bốn cánh đồng phía Tây Bắc, được huy động để dành cho bộ đội. Đồng bào các dân tộc vừa thu hoạch vụ mùa, sôi nổi hưởng ứng nộp thóc và đi dân công. Được sự giúp đỡ của dân công miền xuôi hướng dẫn người dân ở đây giã thóc bằng cối thay vì bằng sức nước như trước, công việc giã thóc đã đỡ vất vả hơn, đem lại năng suất cao hơn, bà con thêm phấn khởi.

Để tiện cho sự chỉ đạo công tác phục vụ Chiến dịch, theo Chỉ thị của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã nhanh chóng chuyển văn phòng về Hang Thẩm Púa (xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo), gần Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ để kịp thời nhận nhiệm vụ của cấp trên và triển khai xuống các huyện.

Từ giữa tháng 1 đến hết tháng 1-1954, Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ chuyển từ Thẩm Púa vào hang Huổi He, rồi Mường Phăng, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh cũng di chuyển theo. Tại đây, Ủy ban Kháng chiến hành chính, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lò Văn Hặc đã đẩy mạnh công tác dân vận, vận động bà con quyên góp tối đa sức người, sức của kịp thời phục vụ nhu cầu hậu cần của Bộ Chỉ huy chiến dịch trong rừng Mường Phăng. Vào những ngày Tết Giáp Ngọ năm 1954, đồng chí Lò Văn Hặc đã dẫn đầu đoàn đại biểu đồng bào người Thái, người Mông, người Dao,... tới chúc tết Bộ Chỉ huy mặt trận và bộ đội, khẳng định quyết tâm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc sẽ đứng lên sát cánh cùng bộ đội tiêu diệt giặc.

Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Kháng chiến hành chính, đồng bào và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào chiến thắng chung của cả nước, bao gồm 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công, tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ; 62 thuyền, hàng trăm mảng; góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Đúng như đồng chí Trần Đăng Ninh - Cục trưởng Cục hậu cần đã khẳng định: “Một cân gạo, một cân thịt, một cân rau ở Tuần Giáo giá trị gấp nhiều lần so với từ hậu phương chuyển đến”.

Những đóng góp này là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu. Trong điều kiện đời sống của đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng khi biết bộ đội đến đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, những kẻ trước đó cướp của, giết người, cào nhà, phá bản của dân nên đồng bào sẵn sàng "đói hơn", vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội, đã cho thấy tinh thần "cả nước cùng ra trận" đúng như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không những là nguồn cổ vũ to lớn đối với dân tộc ta mà còn là nguồn cổ vũ đối với các dân tộc anh em trên thế giới đứng lên giành độc lập, tự do.

TRƯỜNG AN (lược trích)

1. Mấy vấn đề về Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985

2.  btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn

Cập nhật ngày 23/4/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.792
Hôm qua : 7.612
Tháng 05 : 35.411
Năm 2024 : 923.723
Tổng số : 82.389.816