• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng đầu tư khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện ở Sìn Hồ

(laichau.gov.vn)

Tận dụng lợi thế từ lòng hồ thủy điện, những năm qua huyện Sìn Hồ đã triển khai nhiều chính sách nhằm khích lệ người dân 6 xã có diện tích thuộc vùng lòng hồ khai thác tiềm năng thủy sản, sản xuất trên vùng đất bán ngập và phát triển du lịch lòng hồ. Qua đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

 

Người dân đánh bắt tôm, cá từ lòng hồ thủy điện.

 

Thủy điện Sơn La đưa vào khai thác sử dụng năm 2009 với mức nước ảnh hưởng đến diện tích đất của nhiều vùng tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có 6 xã thuộc vùng thấp ảnh hưởng bởi nước thủy điện Sơn La. Vùng đất này nằm về phía Sìn Hồ thấp gồm các xã: Nậm Tăm, Nậm Cha, Căn Co, Nậm Hăn, Nậm Mạ, Chăn Nưa; có dân số hơn 83,4% là lao động nông nghiệp nông thôn.

Sau khi mặt hồ thủy điện Sơn La được hình thành với sự phong phú của các loài thủy sản, môi trường phù hợp với sự sinh trưởng của các giống cá nước ngọt, huyện tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đầu tư ngư cụ để đánh bắt các loại tôm, cá và tận dụng diện tích lòng hồ để nuôi cá lồng; có các chính sách hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng. Đồng thời, huyện đã khuyến khích và tuyên truyền các hộ dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhưng phải bảo đảm vệ sinh môi trường; hướng tới thả nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới nhằm đa dạng sản phẩm, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập; trong quá trình sản xuất tăng cường công tác dự báo, phòng ngừa dịch bệnh cho thủy sản...

Bên cạnh đó, huyện xây dựng kế hoạch phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hạn chế tình trạng nuôi tự phát khó kiểm soát, ô nhiễm môi trường; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các cơ quan, ban, ngành mở các đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản; hướng dẫn các hộ gia đình nuôi cá lồng vệ sinh lồng cá sạch sẽ.

Nhờ đó, đến nay diện tích nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La phát triển nhanh. Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 176 ha; có 174 lồng cá với các giống cá nuôi chủ yếu là cá chép, các chiên, cá lăng... Năm 2019, tổng sản lượng đánh bắt 349 tấn; nuôi trồng khoảng 265 tấn và giá trị sản xuất đạt 34,9 tỷ đồng.

Tôm cá đánh bắt được từ lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân bán cho thương lái để có thêm thu nhập.

 

Cùng với đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ, từ năm 2015 Nhân dân tại 6 xã có diện tích thuộc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã tận dụng khi nước rút sản xuất trên đất bán ngập chủ yếu là trồng lúa và cây ngô xuân hè. Đến nay, toàn huyện có tổng 410 ha diện tích đất bán ngập. Tổng sản lượng lúa, ngô bán ngập ước đạt 1.626 tấn (Năm 2019).

Theo đồng chí Đồng Văn Liệt – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ: Qua việc khai thác lòng hồ thủy điện đã giúp kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo. Sản xuất lương thực luôn ổn định, phát triển và năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 768.785 triệu đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 97,3%; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 26,7 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 29,12%.

Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La vẫn còn có những hạn chế, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng; chưa gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thị trường...

Trước những hạn chế đó, huyện Sìn Hồ xác định việc quy hoạch nuôi trồng, khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là rất cần thiết. Vì vậy, huyện đưa ra các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân vùng lòng hồ nâng cao nhận thức về tiềm năng, thế mạnh, nguồn lợi thủy sản và trách nhiệm trong quản lý, nuôi trồng, bảo vệ, khai thác nguồn thủy sản; hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư nuôi và đánh bắt thủy sản; các địa phương, cơ quan chuyên môn quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, huyện khuyến cáo người dân và các đơn vị đánh bắt, nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ gắn khai thác với bảo vệ môi trường, nguồn nước, cảnh quan thiên nhiên.

Hy vọng rằng, với sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc vùng lòng hồ, nhất là với những giải pháp cụ thể trong việc triển khai thực hiện khai thác thế mạnh, tiềm năng lòng hồ thủy điện sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2020 của huyện Sìn Hồ ngày càng phát triển tích cực, bền vững.


Tác giả: Hoàng Đông
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.378
Hôm qua : 8.295
Tháng 03 : 222.674
Năm 2024 : 653.509
Tổng số : 82.119.602