• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ năng ứng phó với thiên tai cần trang bị đối với cá nhân và hộ gia đình

(laichau.gov.vn)

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh làm thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Dự báo trong những ngày tới trên địa tỉnh Lai Châu tiếp tục có mưa, mưa rào, có nơi mưa to đến rất to, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ quét và sạt lở đất là rất lớn. Để chủ động phòng tránh, trang bị thêm kiến thức cho các cá nhân và hộ gia đình, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu cung cấp một số kỹ năng cần thiết để bạn đọc tham khảo, tự trang bị cho bản thân và gia đình, chủ động phòng, tránh khi mưa, lũ và sạt lở đất xảy ra.

Không nên đi qua các khu vực đang xảy ra lũ quét và sạt lở đất. (Ảnh minh họa)

Trước khi xảy ra mưa, lũ và sạt lở đất

Trước khi thiên tai xảy ra, trong mỗi gia đình, đặc biệt là chủ hộ cần chủ động có kế hoạch để ứng phó với thiên tai. Đặc biệt là chủ động phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong gia đình để chuẩn bị các đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng bị cô lập khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra.

Các đồ dự phòng khẩn cấp cụ thể như sau: Sử dụng túi không thấm nước để đựng quần áo dự phòng, diêm/bật lửa, nước uống, thực phẩm khô, đuốc, giấy tờ quan trọng, kiểm tra định kỳ mọi thứ trong túi để bảo đảm rằng các đồ vật cần thiết luôn luôn trong tình trạng tốt và sẵn sàng sử dụng. Chú ý bảo vệ các đồ quý giá, giấy tờ quan trọng và để cùng với các dụng cụ cần thiết; bảo đảm đủ thức ăn và nước trong ít nhất một tuần ở vị trí cao và an toàn. Chuẩn bị các công cụ phục vụ thông tin, liên lạc như: Loa cầm tay, đài caset, kẻng, trống… để truyền thông tin khi có dấu hiệu xuất hiện lũ quét, sạt lở đất.

Xác định trước cách di chuyển ra khỏi nhà khi xuất hiện dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời xác định phương tiện để di dời và địa điểm sẽ đến.

Theo dõi thông tin về mưa, lũ trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh truyền hình các huyện, thành phố, chủ động theo dõi lượng mưa tại khu vực sinh sống.

Chủ động tìm hiểu các khu vực dòng chảy, kênh thoát nước, hẻm núi và các khu vực khác có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất... Đồng thời, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác nếu sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở, gần sông, suối, khu vực sườn đồi, núi có độ dốc lớn, đất đá kém ổn định cần chủ động phòng, tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy cơ, tạm thời đến những nơi an toàn trú ẩn.

Chủ động sơ tán người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ trước khi có cảnh báo xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Khi làm nhà ở cần tránh những vị trí có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: Sườn đồi núi có độ dốc lớn, đất đá kém ổn định, vùng trũng, thấp ven sông suối, khu vực từng xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Tích cực tham gia tập huấn về: Sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn và lập kế hoạch phòng, chống thiên tai ở cơ sở, cộng đồng để ứng phó có hiệu quả với thiên tai.

Trong danh bạ trên điện thoại cá nhân, hãy lưu vào mục ưu tiên (mục quay số nhanh) những số điện thoại của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã hoặc lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản và của người thân, số điện thoại cứu hộ, chữa cháy, cấp cứu, cán bộ y tế... để bấm ngay khi cần gọi khẩn cấp.

Nước sông, suối dâng cao những ngày qua.

Khi xảy ra mưa, lũ và sạt lở đất

Nói chuyện với các thành viên trong gia đình và phân công những việc cần làm cho từng người nếu lũ quét, sạt lở đất xảy ra.

Nếu nhà có người bị thương, cần liên lạc ngay những người có chuyên môn để nhờ giúp đỡ. Ví dụ: Cán bộ y tế, cán bộ của Hội Chữ thập đỏ.

Phải sơ tán ngay để bảo đảm an toàn cho người, tài sản khi xuất hiện những dấu hiệu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xác định vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ động tham gia các hoạt động phòng, ngừa thiên tai tại địa bàn cư trú; tham gia ý kiến vào kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của cấp thôn, bản.

Không lưu thông qua những đoạn đường dốc có nguy cơ sạt lở cao hoặc khu vực ngầm, tràn có nước chảy siết; không vớt củi, bắt cá, lội qua suối,… khi đang có mưa, lũ.

Sau khi xảy ra mưa, lũ và sạt lở đất

Chú trọng việc ăn uống hợp vệ sinh, phòng các dịch bệnh có thể xảy ra sau thiên tai.

Vệ sinh nhà cửa, đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt, chôn lấp xác súc vật chết, thu gom rác... tham gia vệ sinh môi trường cùng cộng đồng.

Làm sạch giếng, khử trùng nước trước khi sử dụng lại.

Không đến khu vực gần bờ sông, suối hoặc nơi bị lũ quét, sạt lở đất, đá.

Phục hồi sản xuất để ổn định cuộc sống.

Tham gia cùng chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc cứu trợ, hỗ trợ và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.

Tham gia đảm bảo an ninh trật tự khu vực bị thiệt hại.

Phối hợp với các với cán bộ địa phương thực hiện thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai và đề xuất nhu cầu hỗ trợ.

Chủ động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, đá đến cán bộ, hội viên trong tổ chức Hội mà mình tham gia tại địa phương hoặc bà con Nhân dân khu dân cư mình sinh sống; tích cực vận động mọi người tham gia các hoạt động phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.

Có thể thấy việc trang bị các kỹ năng trên vô cùng quan trọng, sẽ góp phần giảm thiểu thiệt thại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, mỗi người dân cần tích cực và vận động mọi người cùng tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng để chống xói mòn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, góp phần hạn chế lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra.


Tác giả: Đào Thúy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.450
Hôm qua : 11.138
Tháng 04 : 170.316
Năm 2024 : 841.906
Tổng số : 82.307.999