• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

No ấm nhờ rừng

(laichau.gov.vn)

Trong những năm qua, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Tè đã có nguồn thu nhập ổn định từ công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ rừng bà con đã no ấm hơn và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Nguồn thu bền vững từ rừng

 

Huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên khoảng 267.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm trên 167.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64%, phần lớn là diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Năm 2019, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng Nhân dân huyện Mường Tè đã có nguồn thu trên 230 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Văn Hoàn – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè cho biết: Năm 2019, người dân trên địa bàn huyện Mường Tè đã được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng tăng lên khoảng 50 tỷ đồng so với năm 2018. Số tiền dịch vụ môi trường rừng tăng là nhờ những quy định của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mức thu đã được Nhà nước điều chỉnh tăng lên 36 đồng/kwh điện thương phẩm. Đây là nguồn thu nhập ổn định, bền vững đối với Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

 

Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến cuộc sống và nhận thức của người dân. Ông Pờ Khừ Xá – Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho biết: Hiện trên địa bàn xã có khoảng trên 29.000ha rừng, đa số là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, chiếm gần 80% diện tích tự nhiên của xã. Năm 2018, từ tiền dịch vụ môi trường rừng Nhân dân trên địa bàn đã được nhận trên 29 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ dân được nhận khoảng 53 triệu đồng/hộ/năm. Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2019 của UBND tỉnh, tiền dịch vụ môi trường rừng của xã Mù Cả sẽ được tăng lên khoảng 37 tỷ đồng, nhờ đó người dân sẽ được thụ hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng cao hơn so với năm trước. Với bà con ở khu vực vùng cao, biên giới, việc một hộ gia đình một năm có thu nhâp ổn định trên 50 triệu đồng là rất khó, từ số tiền đó bà con có thể mua các vật dụng phục cuộc sống gia đình như: Xe máy, máy xay sát, tivi, tủ lạnh... Đây sẽ là động lực khích lệ người dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

 

Từ tiền dịch vụ môi trường rừng người dân vùng cao huyện Mường Tè đã mua được các vật dụng phục vụ cuộc sống.

 

Ấm no nhờ rừng

 

Nguồn thu ổn định từ tiền dịch vụ môi trường rừng đã tạo những chuyển biến tích cực trong nhận thức đến hành động của người dân, cùng với việc chăm sóc bảo vệ rừng họ đã chủ động phát triển kinh tế rừng. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mường Tè sử dụng hiệu quả, họ đã dùng số tiền nhận được để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thăm gia đình anh Vàng A Nính -  Bản Ngài Chồ, xã Tà Tổng, một gia đình điển hình trong việc sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng. Anh Nính chia sẻ: Từ năm 2015, mỗi lần gia đình anh được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, anh đều đầu tư số tiền nhận được để mua giống trâu, bò về để nuôi cùng đàn gia súc của gia đình.

 

Đến nay, nhờ chăm sóc tốt nên đàn gia súc của gia đình anh đã lên đến trên 10 con, mỗi năm đều sinh trưởng từ 3-4 con, cho thu nhập hàng năm trên 60 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2018, khi được cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ và xã Tà Tổng tuyên truyền, gia đình anh đã đăng ký và triển khai trồng trên 5ha cây mắc ca, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt. Sau khi được nhận gần 28 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng anh đã bàn với vợ con dùng số tiền này để đầu tư chăm sóc diện tích mắc ca của gia đình. Với những kiến thức được đi thăm quan thực tế và tìm hiểu qua sách báo, mạng xã hội, anh Nính tin rằng cây mắc ca sẽ là cây giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định, bền vững cùng với tiền dịch vụ môi trường rừng.  

 

Xã vùng cao, biên giới Thu Lũm đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và việc phát huy lợi thế, phát triển kinh tế rừng đang là giải pháp được cấp ủy, chính quyền xã triển khai hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Xé Lù – Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm cho biết: Ngoài việc tập trung thực hiện tốt công tác chăm sóc bảo vệ rừng, những năm qua xã Thu Lũm đã thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế rừng gắn với các loại cây dược liệu như: Khu vực có độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển thực hiện công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng và chăm sóc ổn định diện tích trên 850ha cây thảo quả, thực hiện trồng bổ sung, thay thế diện tích cây già cỗi, năng suất thấp. Đồng thời, thực hiện tốt mô hình trồng bảo tồn loài tam thất hoang. Tại vùng giữa, ở độ cao từ 700m đến 1.500m duy trì diện tích ruộng và tiến hành thâm canh tăng năng suất. Và, triển khai thực trồng xen mắc ca trên diện tích nương sả theo đề án phát triển cây mắc ca của tỉnh và trồng sa mu... tại vùng có độ cao dưới 700m quy hoạch là vùng trồng sa nhân tím dưới tán rừng.

 

Hiện trên địa bàn xã Thu Lũm có 852ha thảo quả, trên 600ha cây dầu sả, gần 150ha cây sa nhân. Nhờ xác định rõ tiềm năng, lợi thế và chủ động triển khai các giải pháp thực hiện phát triển kinh tế rừng gắn với cây dược liệu, xã Thu Lũm đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn trên 20%, xã hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Nhân dân xã Thu Lũm chăm sóc bảo vệ rừng.

 

Quyết tâm bảo vệ, phát triển rừng

 

Nhờ có thu nhập ổn định từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và phát triển kinh tế rừng. Những năm qua người dân trên địa bàn huyện Mường Tè đã nâng cao nhận thức quyết tâm chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng. Ông Tống Văn Hoàn – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè cho biết: Trong nhiều năm qua, Nhân dân huyện Mường Tè luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng rừng do tỉnh giao, nhờ đó mà huyện đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nâng diện tích che phủ rừng lên 65%.

 

Cùng với đó, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đã được các địa phương trên địa bàn huyện triển khai thực hiện hiệu quả, UBND các xã đã thành lập đội cơ động bảo vệ rừng với quân số hơn 30 người, có sự tham gia của các lực lượng dân quân, công an cùng các đoàn thể; chỉ đạo các bản thành lập các đội xung kích, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình hình và sẵn sàng tổ chức phối hợp với Nhân dân tham gia chữa cháy… Đến nay, 14/14 xã, thị trấn đã thành lập đội cơ động bảo vệ rừng, 100% số bản đã thành lập được đội xung kích bảo vệ rừng với sự tham gia của 100% hộ dân. Nhờ chủ động, tăng cường các biện pháp, công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng nhiều năm qua trên địa bàn huyện Mường Tè chưa để xảy ra cháy rừng.

 

Có thể khẳng định rằng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Tè nguồn thu nhập bền vững. Cùng với đó, chủ trương phát triển kinh tế rừng đã phát huy hiệu quả hứa hẹn sẽ cho người dân nguồn thu nhập cao. Cuộc sống no ấm sẽ tạo động lực để người dân trên địa bàn huyện Mường Tè thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng, tiếp tục phát triển kinh tế rừng.


Tác giả: Hà Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.005
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 228.909
Năm 2024 : 659.744
Tổng số : 82.125.837