• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(laichau.gov.vn)

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động luôn được tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp và thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.

Để công tác đào tạo nghề phát huy được hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp hàng năm khảo sát ngành/nghề đào tạo theo nhu cầu đăng ký học thực tế của người lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của xã hội, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; vận động người lao động lựa chọn ngành/nghề phù hợp với nhóm tuổi, định hướng phát triển kinh tế của gia đình và sự chuyển dịch cơ cấu lao động.

Đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và quy hoạch các vùng chuyên canh, các xã xây dựng nông thôn mới (NTM). Chú trọng đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Cùng với đó, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đều được đảm bảo về cơ sở vật chất như: Phòng học lý thuyết, phòng thực hành, nhà xưởng và được đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo một số ngành/nghề theo hình thức tập trung.

Học viên học nghề nấu ăn tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu.

Không chỉ tập trung đào tạo nghề, chú trọng công tác tạo việc làm cho lao động thông qua việc tư vấn việc làm, cung cấp thông tin tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nước ngoài thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, lưu động, online và tờ rơi. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 26.797 lao động được đào tạo, với 893 lớp, ngành nghề đào tạo chủ yếu về: Sửa chữa máy nông nghiệp; sửa chữa xe máy; gò-hàn nông thôn, điện dân dụng; vận hành máy thi công nền; xây dựng dân dụng; kỹ thuật cắt may; trồng cây lương thực, thực phẩm (lúa, ngô); chăn nuôi gia súc, gia cầm (lợn, gà); trồng cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản nước ngọt… Các lớp đào tạo chủ yếu theo hình thức tập trung đối với trình độ trung cấp, cao đẳng và đào tạo lưu động tại các xã, bản, phường, thị trấn theo Đề án 1956 "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Thông qua các lớp đào tạo, 2.084 lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn (chiếm 86%). Giới thiệu việc làm được cho gần 2.200 người; cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 5.000 vị trí việc làm trống tại 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; 430 người đi làm việc tại nước ngoài; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 42,84% (năm 2016) lên gần 50% (năm 2019). Qua đào tạo nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Sìn Hồ là huyện có nguồn lao động khá lớn song chủ yếu là lao động phổ thông, nông nghiệp chưa qua đào tạo. Chính vì vậy, huyện luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động phổ thông, nông nghiệp. Ông Tẩn A Xoang - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phòng đã phối hợp với 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; vận động người đang ở độ tuổi lao động tham gia đăng ký theo học các lớp đào tạo nghề. Tuy nhiên, nhằm tránh đào tạo không mang lại hiệu quả, không sát với thực tiễn, Phòng đã chú trọng lựa chọn những ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; vận động bà con đăng ký những ngành nghề thiết thực và đúng nhu cầu. Năm 2019, huyện Sìn Hồ đã mở được 30 lớp, đào tạo cho 900 học viên tham gia các nghề chủ yếu như: Điện dân dụng; trồng cây lương thực, thực phẩm; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây dược liệu…

Qua các lớp học nghề đã giúp người nông dân có thêm kiến thức áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình. (Trong ảnh: Nông dân xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ chăm sóc đàn lợn).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Tỉnh ta có diện tích rộng, địa hình hiểm trở, phức tạp, dân cư sống phân tán, nên khó khăn cho việc tuyên truyền về đào tạo nghề; việc gắn đào tạo với giải quyết việc làm sau đào tạo chưa đạt hiệu quả cao, cơ cấu lao động trong tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 chuyển dịch chậm dẫn dến tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn 2,7%, khu vực nông thôn còn 9% do trên địa bàn tỉnh chưa có các khu công nghiệp, doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, ít làng nghề truyền thống nên chưa thu hút được nhiều lao động ở khu vực nông thôn vào làm việc; thị trường lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đa dạng, mức thu nhập thấp nên chưa đủ hấp dẫn đối với người lao động. Việc mở các lớp đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn theo mùa vụ và tiến độ thời gian thực hiện còn chậm, do một số người lao động chưa nắm được thông tin, không mặn mà nên không đăng ký và còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa có ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu, dẫn đến khó khăn cho đơn vị trong tổ chức.

Để khắc phục những khó khăn và đào tạo nghề đạt hiệu quả, thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chính sách, pháp luật trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách giải quyết việc làm; nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để người lao động có được việc làm sau đào tạo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo đồng bộ theo ngành, nghề đào tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận thuận tiện các dịch vụ xã hội, thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, giải quyết việc làm, trong đó ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa. Huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các ngành/nghề trọng điểm của tỉnh.


Tác giả: Vương Trang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9.334
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 196.164
Năm 2024 : 867.754
Tổng số : 82.333.847