• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giám sát chính sách đào tạo nghề giai đoạn 2016 - 2019 tại huyện Tân Uyên

(laichau.gov.vn)

Hôm nay (5/5), Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Tống Thanh Bình - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2016 - 2019 trên địa bàn huyện Tân Uyên.

Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.

Những năm qua, huyện Tân Uyên đã chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến Nhân dân và người lao động. Công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được thực hiện với nhiều hình thức. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, lao động nông thôn về mục đích, ý nghĩa của chính sách có sự chuyển biến tích cực.

Quang cảnh
Quang cảnh buổi giám sát tại UBND huyện.

 

Các lớp đào tạo nghề được tổ chức nghiêm túc, đúng quy trình, đối tượng, phù hợp điều kiện, đặc thù địa phương. Qua đó, chất lượng lao động nâng lên, biết áp dụng kiến thức vào phát triển sản xuất, có việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trên địa bàn không có đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Đối với công tác đào tạo nghề, trong giai đoạn 2016 - 2019, trên địa bàn huyện tổ chức đào tạo 113 lớp với 3.455 học viên, 100% học viên được cấp chứng chỉ. Các ngành nghề đào tạo gồm nông nghiệp và phi nông nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 37,4% (đầu năm 2016) lên 49,2% (cuối năm 2019). Số lao động được giải quyết việc làm mới là 7.328 người (trong đó 943 người được vay vốn tạo việc làm, 118 người xuất khẩu lao động, 6.267 người tự tạo việc làm). Trong cả giai đoạn, trên địa bàn huyện không có lao động không được tạo việc làm, thất nghiệp. Số lao động nông thôn được tạo việc làm mới sau học nghề là 765 người, đạt 22,1%, số còn lại vẫn làm nghề cũ.

Thành viên Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan làm rõ một số nội dung: định hướng nghề nghiệp cho người dân tái định cư; số lao động được tư vấn, hỗ trợ việc làm; việc giao kinh phí hàng năm; cơ chế về bao tiêu sản phẩm, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân (từ mô hình sau đào tạo); hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện.

Đại diện các đơn vị tiếp thu, trả lời, làm rõ các nội dung Đoàn giám sát đề nghị và kiến nghị một số vấn đề: Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương. Các bộ, ngành Trung ương cấp kinh phí để thực hiện các chính sách về đào tạo nghề, tạo việc làm đảm bảo nhu cầu của người lao động, đặc biệt là vốn vay tạo việc làm. UBND tỉnh thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý công tác lao động, việc làm, đào tạo nghề cấp huyện, xã.

Phát biểu kết luận, thay mặt các đồng chí trong Đoàn, đồng chí Tống Thanh Bình - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao công tác phối hợp, chuẩn bị các điều kiện phục vụ thực hiện việc giám sát của huyện, các địa phương, cơ quan chuyên môn. Đồng thời nhấn mạnh, ngoài những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2016 - 2019 trên địa bàn huyện Tân Uyên còn một số tồn tại như: theo dõi, quản lý, xác định nơi làm việc, mức thu nhập của học viên sau học nghề chưa chặt chẽ; quản lý, sử dụng trang thiết bị được trang cấp phục vụ công tác đào tạo nghề chưa thực sự phát huy hiệu quả; định mức vay vốn giải quyết việc làm còn ít, chưa đảm bảo yêu cầu thực tế; việc thực hiện chức trách được giao của một số đơn vị chưa đảm bảo quy định.

Đồng chí Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND huyện, các đơn vị liên quan xem xét, rà soát, đánh giá lại, thống nhất số liệu thông tin lại Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian sớm nhất. Tăng cường kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Có cơ chế phù hợp đối với các mô hình điểm để Nhân dân tham quan, học tập. Chỉ đạo tăng cường thực hiện trách nhiệm được giao theo quy định; sử dụng hiệu quả trang thiết bị, cơ sở được trang cấp được đầu tư mua sắm phục vụ công tác. Những kiến nghị của huyện, Đoàn tổng hợp để trình Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh xem xét.

Đoàn giám sát
Thành viên Đoàn giám sát cùng cấp ủy, chính quyền xã Trung Đồng thăm mô hình trồng nấm của học viên lớp đào tạo nghề.

 

Trước đó, Đoàn đã giám sát thực tế tại xã Mường Khoa và Trung Đồng; thăm mô hình trồng nấm của học viên lớp đào tạo nghề.            

 Cập nhật ngày 05/05/2020.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.174
Hôm qua : 11.138
Tháng 04 : 167.040
Năm 2024 : 838.630
Tổng số : 82.304.723