• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai một số luật

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (14/10), Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 điểm cầu của cả nước nhằm triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng chí Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu.

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số sở, ban, ngành; đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ các huyện, thành phố.

Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ đã triển khai những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Căn cứ Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), ngày 13/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Cán bộ, công chức và có hiệu lực từ 01/01/2010. Ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viên chức và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là căn cứ pháp lý nhằm tăng cường quản lý, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính.

Tuy nhiên, sau thời gian 09 năm triển khai áp dụng Luật Cán bộ, công chức; 07 năm triển khai áp dụng Luật Viên chức, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Từ yêu cầu thực tiễn, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức.

Những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức gồm: Về đối tượng áp dụng; chính sách trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ; tuyển dụng công chức; nâng ngạch công chức; đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức; kỷ luật cán bộ, công chức.

Những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức gồm: Về đánh giá viên chức; thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức; xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp và quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức; khắc phục một số bất cập trong thực tiễn.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức Chính phủ và chính quyền địa phương; đồng thời khắc phục những bất hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung 05 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 38 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Điểm cầu Trung ương và các địa phương.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Công tác tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; các vấn đề tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; vị trí việc làm; số lượng cấp phó, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay. Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra được các tình huống, vấn đề xảy ra trong thực hiện, Bộ Nội vụ đã đưa ra các giải pháp để các bộ, ngành, địa phương dễ áp dụng. Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp gửi về Bộ Nội vụ để Bộ kịp thời tham mưu cho cấp trên có những điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tiễn.


Tác giả: Bích Đông
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.332
Hôm qua : 12.022
Tháng 04 : 180.220
Năm 2024 : 851.810
Tổng số : 82.317.903