• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

(laichau.gov.vn)

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, trong đó chú trọng việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em để bảo đảm điều kiện an toàn và thuận lợi cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.

Dịp hè trẻ em ở thành phố Lai Châu được cha mẹ dạy bơi để phòng ngừa đuối nước. (Ảnh tư liệu năm 2019).

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 147.020 trẻ em dưới 16 tuổi. Thời gian qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được tỉnh quan tâm. Để giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích cho trẻ em, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết về các loại tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em cho người dân. Triển khai lồng ghép tuyên truyền kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em với Ngày sức khỏe thế giới 7/4; Tháng an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động; Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình vận động xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn thương tích. Hàng năm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức bàn giao quản lý học sinh trong hè và tổ chức hoạt động hè an toàn; xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Gia đình an toàn”, “Cộng đồng an toàn cho trẻ”; tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhỏ; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em; hướng dẫn cho trẻ em sử dụng áo phao, phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước. Bên cạnh đó, tổ chức dạy bơi và kỹ năng cứu đuối cho 2.000 lượt em học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong dịp hè; xây dựng hệ thống thu thập thông tin, giám sát, đánh giá hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong tỉnh; tổ chức 343 buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm tại cộng đồng và nhà trường; mở 32 lớp cho cán bộ làm công tác trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên với 1.060 người tham gia; 36 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác đoàn thể, phụ trách đoàn đội ở các đơn vị trường với 992 người tham gia... Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ thương tích ở trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh Phong trào xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp - an toàn” trong các Trường Tiểu học, Trường Trung học cơ sở; phối hợp với các ngành thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học. Các trường học đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác y tế trường học, xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích. Đồng thời, phối hợp với gia đình trẻ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng và Ban đại diện hội cha mẹ trong việc tuyên truyền một số biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ; tăng cường đảm bảo an toàn giao thông tại các cổng trường học, việc sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng; tổ chức hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ; cách sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh; các cuộc thi nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ...

Trẻ em ở trường học được tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2019, trên toàn tỉnh đã có 112 trường học đạt tiêu chí trường học an toàn với trẻ em; xây dựng được 3.000 ngôi nhà; 10 xã, phường (215 thôn, bản) an toàn phòng, chống tai nạn thương tích; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hành động, hệ thống giám sát, giảm các nguy cơ gây tai nạn thương tích tại cộng đồng… Số trẻ em bị tai nạn thương tích, số trẻ em tử vong giảm dần qua các năm. Nếu như trong năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.306 trẻ em bị tai nạn thương tích thì đến năm 2019 giảm còn 1.145 trẻ em bị tai nạn thương tích.

Ông Lê Văn Thăng - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực và nhận thức của người dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Để công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em đạt kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh việc xây dựng các thông điệp, tài liệu truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước trẻ em phù hợp với từng vùng, địa bàn; tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em, giúp cho trẻ em chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước; nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Xây dựng các mô hình: “Cộng đồng an toàn”; “Trường học an toàn”; “Ngôi nhà an toàn” thân thiện với trẻ em...

Hy vọng với việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em của tỉnh trong thời gian tới sẽ góp phần bảo đảm cho tất cả trẻ em đều được bảo vệ an toàn và có cơ hội phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và nhân cách. Đồng thời, hạn chế thấp nhất được tình trạng thương tích đáng tiếc xảy ra cho trẻ em; nâng cao chất lượng sống của trẻ em và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn trong tương lai.


Tác giả: Ngọc Sánh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.775
Hôm qua : 8.457
Tháng 04 : 159.503
Năm 2024 : 831.093
Tổng số : 82.297.186