• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch bền vững

(laichau.gov.vn)

Khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của 20 dân tộc tạo cho Lai Châu vẻ đẹp riêng có, lợi thế phát triển du lịch. Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Các cấp, ngành của tỉnh đã tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch có thế mạnh như: bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ), bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ; bản Thẳm (xã Bản Hon), bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường); bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu). Đặc biệt, năm 2023, bản Sin Suối Hồ được nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3; hoàn thiện hồ sơ tham gia giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” năm 2023 của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới). Từ đó, tạo điểm nhấn, sự khác biệt của Lai Châu trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”.

Đồng thời, khai thác hiệu quả sản phẩm chợ phiên vùng cao; tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và sản phẩm nông nghiệp địa phương; xây dựng sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm và tuor khám phá, chinh phục các đỉnh núi cao. Đến nay, toàn tỉnh có 16 điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó 11 điểm du lịch cộng đồng.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch, các cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật và đăng tải thông tin du lịch của tỉnh trên website, mạng xã hội; duy trì hoạt động 11 bốt thông tin du lịch tại bến xe, khách sạn… Qua đó, giúp du khách tiếp cận thông tin về du lịch tại Lai Châu chính thống, thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả.

Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm.

 

Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng được tỉnh chú trọng. Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ sở đào tạo tổ chức 6 khóa tập huấn (kỹ năng nghề du lịch và hướng dẫn viên poster) cho trên 230 học viên. Thành lập đoàn công tác khảo sát và trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý, phát triển sản phẩm du lịch.

Ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Những năm qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các điểm đến của tỉnh; tăng cường hoạt động giao lưu, xúc tiến, kết nối, mở rộng thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế tại các chương trình, sự kiện thường niên; ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp khi đến khảo sát, đầu tư phát triển du lịch. Việc tổ chức thành công Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 đã góp phần quảng bá tiềm năng du lịch; để lại dấu ấn với du khách về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc và sự thân thiện, mến khách của người dân Lai Châu. Với nhiều giải pháp phát triển du lịch, trong 9 tháng năm 2023, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh, ước đón 799.740 lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 97,53% so với kế hoạch; doanh thu ước đạt 586,227 tỷ đồng”.

Là huyện cửa ngõ của tỉnh, Tam Đường được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành, có những dãy núi cao, 12 dân tộc cùng sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc, tạo thuận lợi phát triển các loại hình du lịch: cộng đồng, sinh thái, thể thao mạo hiểm, văn hóa tâm linh. Hiện, một số khu du lịch thu hút đông đảo lượng khách tới tham quan, trải nghiệm, có thể kể đến: Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, Khu vực Cổng trời - Đèo Ô Quy Hồ (xã Sơn Bình), các bản du lịch cộng đồng: Sì Thâu Chải, Lao Chải 1… Hàng năm, huyện còn tổ chức nhiều lễ hội, ngày hội văn hóa, thể thao nhằm thu hút khách du lịch. Từ đầu năm đến nay, huyện đón 313.557 lượt khách, doanh thu đạt 115,84 tỷ đồng.

Nằm ở độ cao 2.200m so với mực nước biển, Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây trung bình đón 200 - 300 lượt khách/ngày, cao điểm từ 800 - 1.000 lượt khách/ngày. Du khách Nguyễn Lan Phương (Thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Cầu kính được xây dựng công phu với hệ thống thang máy trong lòng núi khiến tôi rất hiếu kỳ. Khi nhìn qua tấm kính xuống những vực sâu hun hút, cảm giác thật khó tả. Không chỉ vậy, tôi và những người bạn còn được săn mây, lưu lại những bức ảnh đẹp với khung cảnh núi non hùng vĩ, thử cảm giác mạnh khi trải nghiệm trò chơi mạo hiểm”.

Những năm trở lại đây, du lịch của huyện Than Uyên có nhiều khởi sắc. Để lại ấn tượng sâu sắc với du khách gần, xa là trong khuôn khổ sự kiện tết Độc lập (2/9), Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên lần thứ XII, Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023 vừa qua đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Đặc sắc nhất là màn múa xòe, múa khèn “Lung linh sắc màu Tây Bắc” với trên 1.500 người tham gia và Giải đua môtô địa hình “Than Uyên Enduro Challenge Cup 2023”. Thông qua chương trình góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Than Uyên.

Mặc dù du lịch tỉnh nhà đã có những bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Để Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng quy hoạch, đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch; đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch chất lượng cao...

Cập nhật ngày 31/10/2023


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.575
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 201.815
Năm 2024 : 873.405
Tổng số : 82.339.498